![Đồng bào Chăm tỉnh Bình Thuận sử dụng thiết bị không người lái phun thuốc, bón phân cho cây lúa](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/crnwcqjwp/2025_01_10/img20241017133943-188-5171.jpg.webp)
Vừa qua, sau khi kết thúc vụ mùa thảnh thơi, năng suất ngoài mong đợi, 11 hộ đồng bào Chăm thôn Bình Minh, xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận) quần áo chỉnh tề đi nhận tiền thưởng từ việc tham gia mô hình canh tác lúa thông minh giảm phát thải khí nhà kính lần đầu tiên diễn ra tại tỉnh Bình Thuận.
Đây là dự án do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhằm ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa đồng bộ, sử dụng máy móc thiết bị công nghệ tiên tiến và canh tác lúa thông minh, giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến sản xuất xanh, bền vững.
Có mặt tại buổi nhận thưởng, chị Văn Thị Đề Oanh (ngụ xã Phan Hòa) vẫn chưa tin vào những gì đã diễn ra. Chị Oanh cho biết, tháng 9-2024, khi được tham gia vào mô hình, lần đầu tiên được nhìn thấy thiết bị bay không người lái (drone) sạ lúa thẳng tắp, theo hàng, theo lối, khác hoàn toàn với phương pháp thủ công trước đây. Không chỉ vậy, việc bón phân, phun thuốc cho cây lúa cũng được thực hiện hoàn toàn bằng máy móc, người nông dân hầu như không cần phải bước chân xuống ruộng. Mỗi ngày, nông dân chỉ cần ra đồng ruộng 2 lần để quan sát mực nước xem thiếu hay thừa rồi báo kỹ sư điều chỉnh lượng nước, lượng phân bón lại cho phù hợp.
![Ông Ngô Thái Sơn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận kiểm tra, hướng dẫn người dân đồng bào Chăm trồng lúa giảm phát thải z6213905850362_96e6b6a23f2c57773e4b589b68dc777c.jpg](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/crnwcqjwp/2025_01_10/z6213905850362-96e6b6a23f2c57773e4b589b68dc777c-4724-165.jpg.webp)
Ông Ngô Thái Sơn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận cho biết, mô hình trồng lúa thông minh, giảm phát thải được triển khai thí điểm trên diện tích 3,4ha cho 11 hộ dân đồng bào Chăm ở xã Phan Hòa. Mô hình dựa trên nền tảng "một phải, sáu giảm" tích hợp nhiều tiến bộ mới. Cụ thể, "một phải" là sử dụng giống lúa cấp xác nhận hoặc nguyên chủng mà ngành nông nghiệp địa phương khuyến cáo. "Sáu giảm" gồm giảm hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới, thất thoát sau thu hoạch và phát thải. Tham gia mô hình, nông dân được hỗ trợ giống, chi phí đầu tư và hướng dẫn kỹ thuật.
![11 hộ đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận nhận thưởng từ việc trồng lúa giảm phát thải z6211760608961_0d22b414d1c969767f62b0af31e38d5c.jpg](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/crnwcqjwp/2025_01_10/z6211760608961-0d22b414d1c969767f62b0af31e38d5c-8444-4702.jpg.webp)
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận, kết quả mô hình cho thấy năng suất lúa tăng hơn 4 tạ/ha (khoảng 5%) so với sản xuất đại trà; tổng chi phí sản xuất giảm hơn 1,5 triệu đồng/ha (chiếm 5%) và lợi nhuận tăng 20% (tương đương 3,7 triệu đồng/ha).
Đặc biệt, toàn bộ quá trình sinh trưởng của cây lúa trong mô hình còn được giám sát lượng phát thải CO₂e thông qua vệ tinh do Công ty Spiro Carbon (Mỹ) đo đạc quan trắc theo UNFCCC của Liên hợp quốc. Qua đo đạc, quan trắc của Công ty Spiro Carbon, mô hình đã giảm phát thải 12,11 tấn CO₂e (trung bình 3,6 tấn CO₂e/ha), mang lại lợi ích cả về kinh tế lẫn môi trường. Với thành quả trên, vừa qua, Công ty Cổ phần Net Zero Carbon đã trao mức thưởng 20USD/1 tấn CO₂e cho các hộ dân tham gia mô hình.
“Từ thành công bước đầu, thời gian tới, ngành nông nghiệp địa phương sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình. Qua đó, góp phần thay đổi tư duy, thay đổi cách làm của nông nghiệp truyền thống; đồng thời hướng đến việc tất cả các hoạt động tạo ra nông sản cần phải áp dụng các “quy trình chuẩn, tiến bộ” để không phá huỷ hệ sinh thái và đa tầng sinh học”, ông Ngô Thái Sơn, chia sẻ.