Trước đó, ngày 31-7, xe dẫn đường của Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đồng Nai thực hiện việc đưa dẫn đoàn công nhân người Ninh Thuận, Bình Thuận về quê với hơn 1.000 người, phương tiện là xe máy và xe ô tô.
Trong đó, số người về tỉnh Bình Thuận bằng xe máy sau khi theo đoàn vào địa phận tỉnh Bình Thuận đã tự tách ra và đi về các địa phương trong tỉnh mà không có sự kiểm soát, quản lý của các cơ quan chức năng địa phương.
Trong thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo Chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại khu vực giáp ranh tỉnh Đồng Nai thực hiện nghiêm việc kiểm soát người, phương tiện vào tỉnh. Đồng thời, phải thực hiện khai báo y tế và phải cách ly tập trung 14 ngày nếu đến, về từ các tỉnh, thành đang áp dụng Chỉ thị số 16 của Chính phủ.
Do vậy, việc ngành chức năng tỉnh Đồng Nai tổ chức và dẫn đoàn như trên mà không thông báo, phối hợp dẫn đến người từ tỉnh Đồng Nai về tỉnh Bình Thuận bằng xe máy không được kiểm soát chặt chẽ, gây nguy cơ lây lan dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận rất cao.
Ngoài ra, nhiều người về tỉnh Bình Thuận đã không khai báo y tế để cách ly theo quy định.
Để đảm bảo thực hiện nghiêm nguyên tắc tại Chỉ thị số 16 của Chính phủ, UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai dừng thực hiện việc dẫn, đưa đoàn người về bằng xe máy và ngang qua tỉnh Bình Thuận khi chưa có sự thỏa thuận, thống nhất giữa hai tỉnh.
Đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan chức năng cung cấp ngay toàn bộ danh sách người từ tỉnh Đồng Nai về tỉnh Bình Thuận trước ngày 2-8.
Trước tình hình dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản thống nhất việc thực hiện giãn cách xã hội toàn TP Phan Thiết từ 0 giờ ngày 2-8.
Trong thời gian 14 ngày thực hiện giãn cách, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu UBND thành phố Phan Thiết tiến hành phong tỏa ngay các khu vực liên quan đến các ca nghi nhiễm có tiếp xúc, có nguy cơ lây lan dịch bệnh cao; khẩn trương xác định nguồn lây, rà soát, truy vết tất cả các trường hợp có tiếp xúc với các ca nghi nhiễm, lấy mẫu xét nghiệm, thực hiện cách ly y tế và quản lý chặt chẽ theo đúng quy định. Tiến hành khử khuẩn các khu vực có liên quan.
Yêu cầu người dân trên địa bàn thành phố Phan Thiết ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; các trường hợp khẩn cấp, cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn.
Trường hợp ra khỏi nhà phải thực hiện quy định về phòng chống dịch Covid-19 như đeo khẩu trang, không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng,...
Các nhà máy, cơ sở sản xuất, công trường, công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu; ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và hỗ trợ doanh nghiệp (Công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm,...), bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ... được tiếp tục hoạt động.
Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, công trình xây dựng có nhiều lao động phải có phương án tổ chức sản xuất kinh doanh đảm bảo phòng, chống dịch tuyệt đối an toàn. Cơ quan y tế địa phương rà soát, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc phòng, chống dịch tại các cơ sở nêu trên. Trường hợp không đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch thì dừng hoạt động.
Tính đến chiều 31-7, toàn tỉnh Bình Thuận đã ghi nhận 601 ca mắc Covid-19 (trong đó La Gi 503 ca). Tại TP Phan Thiết, trong những ngày qua đã xuất hiện thêm một số ca nhiễm mới trong cộng đồng, chưa xác định rõ nguồn lây.