Bình quân thu nhập của người lao động quý 3 đạt 7,6 triệu đồng/tháng ​

Bình quân thu nhập của người lao động quý 3 tăng lên và đạt mức 7,6 triệu đồng/tháng, cao hơn 1,6 triệu đồng/tháng so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, khu vực dịch vụ - lực lượng lao động đạt tới 19,2 triệu đồng/người, thu nhập khu vực dịch vụ trên 8 triệu đồng/tháng là rất cao.
Bình quân thu nhập của người lao động quý 3 đạt 7,6 triệu đồng/tháng ​

Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội sáng 28-10, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các chính sách an sinh xã hội giúp ổn định lòng dân, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Nhiều chính sách chưa có tiền lệ đã được Đảng, Chính phủ, Quốc hội quyết định.

Đến nay đã hỗ trợ 87.000 tỷ đồng tới 56 triệu lượt người dân và trên 730.000 người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. “Bình thường mỗi năm, ngoài các hoạt động thường xuyên thì cả nước chỉ hỗ trợ đột xuất được cho thêm 1 triệu người. Trong khi giai đoạn dịch bệnh, số người được chăm lo, hỗ trợ lên tới 56 triệu. Đó là những việc chưa có tiền lệ”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung so sánh.

Bình quân thu nhập của người lao động quý 3 đạt 7,6 triệu đồng/tháng ​ ảnh 1 Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung. Ảnh: QUANG PHÚC

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, đời sống người dân đã được cải thiện một bước, dù vẫn còn một bộ phận khó khăn. Bình quân thu nhập của người lao động quý 3 tăng lên 7,6 triệu đồng/tháng, cao hơn 1,6 triệu đồng/tháng so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, khu vực dịch vụ - lực lượng lao động đạt tới 19,2 triệu đồng/người, thu nhập khu vực dịch vụ trên 8 triệu đồng/tháng là rất cao. Những con số cho thấy cuộc sống và thu nhập của người dân, người lao động đã dần trở lại bình thường, thu nhập tăng, đời sống người dân được cải thiện. Tỷ lệ thất nghiệp đến thời điểm này chỉ 2,28%. Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp (Mỹ có tỷ lệ thất nghiệp hiện tại là 3,5%).

Cũng tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu vấn đề vướng mắc với việc công nhận học sinh cấp THCS, THPT trong các trường nghề. Đây là vấn đề các đại biểu Quốc hội đã nêu, chất vấn ở rất nhiều kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội đã có kết luận bằng văn bản nhưng thực tế những vướng mắc hiện vẫn chưa được tháo gỡ.

Hiện cả nước có 63 địa phương đều tiến hành cho các trường nghề dạy văn hóa, 625 trường nghề vừa tổ chức học nghề vừa học văn hóa, có trên 400.000 học sinh đang theo học chương trình như vậy. Vừa học nghề vừa học văn hóa được xác định là việc phù hợp với Luật Giáo dục và đã được Bộ GD-ĐT cho áp dụng nhiều năm qua. Tuy nhiên, hiện việc này đang gặp khó khăn.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thông lệ quốc tế, thì các trường nghề đều thực hiện mô hình vừa học nghề vừa học văn hóa và khẳng định đó là chủ trương đúng. Phần lớn người học chọn học trường nghề vừa tiếp tục học văn hóa là vì không có nhu cầu học cao hơn hoặc gia đình khó khăn. Việc này giúp các cháu sớm tiếp cận thị trường lao động, không nên cản trở.

Bình quân thu nhập của người lao động quý 3 đạt 7,6 triệu đồng/tháng ​ ảnh 2 Quang cảnh phiên họp sáng 28-10. Ảnh: QUANG PHÚC

"Tôi đã báo cáo Thủ tướng và tối qua Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB-XH, Bộ NN-PTNT cùng tập trung tháo gỡ vấn đề này. Sau đó tôi cũng đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT để kết thúc kỳ họp nhất định gỡ xong vướng mắc này", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung quả quyết.

Về việc này, trước đó, từ năm 2019, Bộ GD-ĐT có công văn chỉ đạo các sở GD-ĐT không cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT để dự thi lấy bằng tốt nghiệp THPT, gây nhiều khó khăn cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và nhất là người học, làm mất đi các cơ hội học tập, dẫn đến không hấp dẫn, khó thu hút người học vào học nghề; công tác phân luồng học sinh sau THCS sẽ không đạt được mục tiêu.

Tin cùng chuyên mục