Cụ thể, CPI bình quân 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, các năm 2016 - 2021 lần lượt tăng 1,59%; 4,47%; 3,01%; 2,74%; 4,39%; và tăng 1,29%. Còn so với tháng 12-2020, CPI tháng 5-2021 tăng 1,43% và so với tháng 5-2020 đã tăng 2,9%.
Đây được coi là một thuận lợi cho công tác chỉ đạo, điều hành giá cả năm 2021 (chỉ tiêu là 4%). Lạm phát cơ bản tháng 5-2021 tăng 0,15% so với tháng trước và tăng 1,13% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng đầu năm nay tăng 0,82% so với cùng kỳ năm 2020, cũng là điều kiện để công tác điều hành chính sách tiền tệ không có biến động lớn.
Quay trở lại với diễn biến giá cả thị trường tháng 5-2021, Tổng cục Thống kê cho biết, trong mức tăng 0,16% của CPI tháng 5-2021 so với tháng trước, có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Ở chiều tăng, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 0,76%, làm CPI chung tăng 0,07 điểm phần trăm, chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu vào ngày 27-4-2021 và ngày 12-5-2021, làm chỉ số giá xăng tăng 2,12%, dầu diezen tăng 2,8%. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng; đồ uống và thuốc lá; thiết bị và đồ dùng gia đình; hàng ăn và dịch vụ ăn uống; thuốc và dịch vụ y tế; hàng hóa và dịch vụ khác cũng nhích lên rất nhẹ.
Trong khi đó, các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm bao gồm: nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,23%, do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19; nhóm bưu chính - viễn thông giảm 0,15%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,01%.