Bình Phước xác định mục tiêu “đi tắt đón đầu” bằng việc tiên phong xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh theo lộ trình linh hoạt, tiến tới chuyển đổi số (CĐS) toàn diện.
Trong quá trình thực hiện CĐS, tỉnh Bình Phước đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó đáng kể nhất là Chiến dịch cao điểm 92 ngày đêm “Nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh CĐS để phát triển chính quyền số” từ ngày 1-6 đến ngày 31-8-2022.
Qua đó, kết quả cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đã nâng lên rõ rệt. Cụ thể, số hồ sơ tiếp nhận/tháng bình quân trong thời gian thực hiện chiến dịch là 57.090 hồ sơ, tăng gần 4.500 hồ sơ so với bình quân 5 tháng đầu năm 2022 (tăng 8,28%); tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC từ ngày 1-6 đến 31-8-2022 với cấp tỉnh là 98,05%; văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện 22,69%; bộ phận một cửa cấp huyện 63,80%. Toàn bộ các sở ngành, UBND cấp huyện và xã đã hoàn thành việc báo cáo trực tuyến trên Hệ thống báo cáo Chính phủ GRIS từ ngày 3-7-2022. Tỷ lệ hồ sơ quá hạn giảm đáng kể, từ 3,9% còn 0,5%. Theo thống kê của Cổng dịch vụ công quốc gia, tỉnh Bình Phước có 6.530 tài khoản mới đăng ký.
Theo UBND tỉnh Bình Phước, trong quá trình triển khai CĐS, hạ tầng số phải đi trước một bước và xem là yếu tố nền tảng cần được ưu tiên đầu tư sớm, thực hiện thí điểm ở phạm vi hẹp trước khi nhân rộng. Các dự án đều được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng từng đối tượng, lĩnh vực cụ thể. Trong xây dựng nền tảng CĐS, tỉnh đã mở rộng các chương trình hợp tác, liên kết đào tạo với các tập đoàn lớn về công nghệ thông tin (CNTT) như VNPT, Viettel, FPT... để phát triển nguồn nhân lực CNTT và hỗ trợ Bình Phước hiện đại hóa hạ tầng viễn thông, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và cung cấp giải pháp số.
Điển hình là TP Đồng Xoài đang triển khai thí điểm tuyến phố không dùng tiền mặt trên 2 tuyến đường: Hùng Vương (phường Tân Bình) và Lê Duẩn (phường Tân Phú), nhằm thúc đẩy, khuyến khích người tiêu dùng, cơ sở kinh doanh sử dụng các phương tiện thanh toán trực tuyến khi mua sắm, giao dịch. Hình thức thanh toán không dùng tiền mặt là một trong các giải pháp của TP Đồng Xoài hướng đến tiêu dùng văn minh, hiện đại.
Ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Bình Phước, cho biết, theo kết quả DTI vừa công bố, hạ tầng CNTT của tỉnh đang đứng tốp đầu cả nước. Để đáp ứng nhiệm vụ CĐS trong từng giai đoạn, tỉnh đang tiếp tục xây dựng và nâng cấp hạ tầng viễn thông mạng 5G, mạng cáp quang, internet, điện toán đám mây, hướng đến mỗi người dân đều có điện thoại thông minh. Mặt khác, duy trì hệ thống mạng LAN, hoàn thiện các nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu ngang dọc 4 cấp.