Các đơn vị thực hiện nghiêm chế độ trực 24/24 giờ trong mùa khô, chuẩn bị tốt về con người, phương tiện để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống cấp bách xảy ra. Ngoài ra, phải xác định được trọng điểm các khu vực rừng có phân bố nhiều cây ươi, từ đó có phương án quản lý, bảo vệ hiệu quả. Tuyệt đối không giải quyết, cấp phép cho người ra vào rừng khai thác hạt ươi khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép.
Đối với các huyện: Bù Đăng, Đồng Phú có diện tích rừng giáp ranh với Vườn Quốc gia Cát Tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai của tỉnh Đồng Nai, cần thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các đơn vị trong quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; tuyên truyền, vận động người dân và kiểm soát, ngăn chặn việc khai thác quả ươi trái phép.
Hiện vào mùa quả ươi và do giá trị kinh tế hạt ươi cao (350.000-400.000 đồng/kg), nên người dân xâm nhập vào rừng làm gia tăng áp lực trong quản lý, bảo vệ rừng, có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng.
Theo Vườn quốc gia Bù Gia Mập, vườn có diện tích 25.601,18ha, ngay từ đầu mùa ươi, đơn vị đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm liên huyện, thị xã Bù Gia Mập - Phước Long phối hợp các lực lượng khảo sát các khu vực phân bố cây ươi, chú trọng những cây có bông để lên kế hoạch bảo vệ.
Song song đó, các lực lượng bảo vệ rừng đã tổ chức chốt chặn, kiểm tra chặt chẽ người và phương tiện đi qua vườn, tuần tra bảo vệ các khu vực phân bố ươi. Ngoài ra, tuyên truyền lưu động, phát trên đài phát thanh 3 xã vùng đệm về các quy định của pháp luật trong công tác bảo vệ rừng, để tuyên truyền người dân không xâm nhập, khai thác ươi trái phép.
Qua theo dõi nhiều năm, các đối tượng khai thác ươi không đợi cho quả chín rụng xuống (ươi bay) để nhặt, mà sử dụng cưa tay, dao, rựa chặt cành hoặc cưa gốc sau đó nhặt quả già đem về bán cho các thương lái.