Nhờ đó, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước đã tạo được những bước chuyển biến tích cực, hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Ngoài ra, tỉnh Bình Phước cũng tập trung tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng sản xuất quy mô lớn, áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững như: đối với cây cao su thì sử dụng giống có năng suất mủ cao, đa mục đích, phát triển theo hướng mủ - gỗ; đối với cây điều, tập trung chọn giống tốt và sử dụng các biện pháp thâm canh để tăng năng suất, cải tạo các vườn điều già cỗi, năng suất thấp sang sản xuất điều theo quy trình VietGap...
Sở NN-PTNT Bình Phước cũng xác định nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu thế tất yếu của phát triển nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Trước mắt, tỉnh triển khai đề án phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường áp dụng trên 2 nhóm chính là cây trồng và vật nuôi. Mục tiêu của đề án là đến năm 2025 sẽ có 17.000ha nông sản sạch, hữu cơ; 90% cơ sở chăn nuôi heo, gia cầm đạt chăn nuôi an toàn.