Điều là một cây trồng mang lại giá trị xuất khẩu hàng hóa cao trong vài năm gân đây nên tại thủ phủ điều Bình Phước, loại cây trồng chủ lực này đang được địa phương tập trung phát triển, nhằm mang lại thu nhập ổn định cho người trồng điều và tiến tới xây dựng thương hiệu quốc gia. Phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trao đổi với đồng chí Huỳnh Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, xung quanh các giải pháp phát triển cây điều.
PHÓNG VIÊN: Xin đồng chí cho biết, cây điều có vị trí thế nào với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua?
Phó Chủ tịch HUỲNH THỊ HẰNG: Điều là cây trồng chủ lực của tỉnh, xét về mặt diện tích, giá trị kinh tế, giải quyết việc làm và an sinh xã hội (chỉ sau cây cao su). Hiện nay, diện tích trồng điều của tỉnh Bình Phước khoảng 134.170ha, chiếm 32,7% diện tích cây lâu năm và 30,03% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp (tỉnh Bình Phước có diện tích trồng điều gần bằng 50% diện tích trồng điều của cả nước), sản lượng đạt 150.000 tấn/năm. Trong năm 2016, kim ngạch xuất khẩu nhân điều của tỉnh đạt 500 triệu USD, chiếm gần 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Bình Phước hiện có hơn 200 doanh nghiệp và hơn 400 cơ sở chế biến điều; trong đó có 31 doanh nghiệp lớn với tổng công suất khoảng 82.000 tấn/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 50.000 lao động và hàng ngàn lao động trực tiếp sản xuất và thu gom điều tại vườn.
Thời gian qua hay xảy ra tình trạng được giá thì mất mùa, mất mùa thì được giá, vậy tỉnh có giải pháp nào nhằm ổn định năng suất điều?
Trong 3 năm từ 2014 - 2016, giá hạt điều thô tương đối ổn định và giữ mức cao, giá bình quân cả vụ từ 35.000 - 36.000 đồng/kg. Tuy nhiên, năng suất bình quân còn thấp (khoảng 1 - 1,5 tấn/ha) mà nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết không thuận lợi; mặt khác, đa số diện tích trồng điều nhỏ lẻ, theo nông hộ nên việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chọn giống và chăm sóc chưa được người dân quan tâm đúng mức.
Vì vậy, để tiếp tục hỗ trợ cây điều ổn định năng suất, chất lượng và đầu ra sản phẩm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp. Một là, thâm canh, cải tạo, tái canh diện tích già cỗi và năng suất thấp bằng các giống mới cùng với việc áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến gắn với các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm hạn chế tác động của thời tiết, sâu bệnh đến năng suất cây điều; Hai là, tiếp tục triển khai quy hoạch ngành điều Bình Phước và thực hiện hiệu quả Đề án phát triển bền vững ngành điều Bình Phước đến năm 2020; đồng thời, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp tạo môi trường thuận lợi cho ngành điều phát triển ổn định và bền vững. Ba là, chú trọng phát triển ngành điều theo hướng tập trung, chuyển đổi từ quy mô sản xuất nhỏ lẻ sang hướng liên kết với quy mô lớn; xây dựng và hỗ trợ các hợp tác xã sản xuất, chuyên canh cây điều; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, liên kết với người trồng điều để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm và tạo vùng nguyên liệu bền vững. Bốn là, kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư tại tỉnh; khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh liên kết, hợp tác nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu; chú trọng đầu tư chế biến sâu để tăng giá trị sản phẩm.
Cây điều phân bố chủ yếu trên đất dốc, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc nơi có nguồn tài chính lẫn trình độ canh tác hạn chế, tỉnh có giải pháp gì giúp người trồng điều?
l Hiện nay, diện tích điều do các hộ nông dân sở hữu dưới 2ha chiếm 64,29% tổng diện tích trồng điều, đa số diện tích này ở vùng sâu, vùng xa thuộc các hộ nông dân nghèo, thiếu vốn đầu tư sản xuất nên việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất còn rất hạn chế. Vì vậy, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển bền vững ngành điều đến năm 2020 với 12 hạng mục, gồm: áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất từ khâu chọn giống đến khâu thu hoạch, tái canh, cải tạo giống, trồng xen, khuyến nông, bảo vệ thực vật, liên kết người dân và doanh nghiệp… đang được Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Sở Công thương phối hợp với các sở ngành triển khai thực hiện nhằm hỗ trợ nông dân phát triển cây điều; đồng thời, tỉnh đang xem xét ban hành các chính sách như: khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất để giảm giá thành sản xuất, tăng năng suất và giá trị sản phẩm điều; hỗ trợ nông dân trong chuyển đổi giống cây trồng năng suất, chất lượng cao, qua đó, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Được biết, ngành chế biến điều của tỉnh chủ yếu quy mô nhỏ, phân tán dễ xảy ra tranh mua nguyên liệu và ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm xuất khẩu, tỉnh có giải pháp gì cho vấn đề này?
Để giải quyết vấn đề gian lận thương mại, tranh mua tranh bán nguyên liệu làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm hạt điều của tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã triển khai các nội dung như: tăng cường công tác tuyên truyền; thanh tra, kiểm tra đối với lĩnh vực gian lận thương mại, hoạt động kinh doanh hạt điều có hành vi pha trộn nói riêng; thực hiện thanh tra chuyên ngành và kiểm tra thị trường về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hạt điều theo quy chuẩn kỹ thuật địa phương; đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương nỗ lực thực hiện Đề án phát triển điều bền vững đến năm 2020, phối hợp thực hiện Đề án chỉ dẫn địa lý điều Bình Phước. Kiên quyết xử lý đối với các vi phạm về gian lận thương mại, từng bước ngăn chặn có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này.