
* PHÓNG VIÊN: Xin bà cho biết một số nét khái quát về thành tựu kinh tế - xã hội mà tỉnh Bình Phước đạt được sau 50 năm giải phóng?
* Bà TÔN NGỌC HẠNH: 50 năm sau ngày giải phóng tỉnh Bình Phước, nhất là từ khi tái lập tỉnh, năm 1997 đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bình Phước luôn đoàn kết, sáng tạo. Thế hệ sau học tập, kế thừa kết quả, mục tiêu chiến lược dài hạn của thế hệ trước, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đạt được những thành tựu quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực. Năm 2024, quy mô kinh tế của tỉnh Bình Phước đạt hơn 115.000 tỷ đồng, tăng gấp 92 lần so với thời điểm mới tái lập tỉnh năm 1997; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 9,4% - mức cao so với bình quân chung cả nước, riêng năm 2024 đạt 9,32%, đứng đầu khu vực Đông Nam bộ và thứ 11 cả nước. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) lũy kế đến nay đạt trên 5 tỷ USD; tốc độ đô thị hóa đạt tỷ lệ hơn 41%; thu nhập bình quân đầu người trên 108 triệu đồng/năm. Đặc biệt, Bình Phước đã nằm trong nhóm các địa phương thu ngân sách hơn 10.000 tỷ đồng/ năm, riêng năm 2022 đạt 14.500 tỷ đồng.
Hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Phước được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại và ngày càng hoàn thiện; nhiều khu công nghiệp đã và đang được triển khai thực hiện. Cải cách hành chính, chuyển đổi số có bước phát triển mạnh mẽ; chất lượng dịch vụ công luôn duy trì tốp đầu cả nước; chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững được triển khai quyết liệt mang lại nhiều kết quả tích cực. Bình Phước phấn đấu đến tháng 6-2025 sẽ không còn nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh và đến cuối năm 2025 không còn hộ nghèo.
* Là tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ nhưng giao thông kết nối nội vùng và với khu vực Tây Nguyên còn hạn chế, tỉnh có quyết sách gì để giải quyết vấn đề này?
* Xây dựng kết cấu hạ tầng được tỉnh chọn là 1 trong 3 nhiệm vụ đột phá. Thời gian gần đây, Bình Phước đã và đang dành nhiều nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường huyết mạch để khắc phục “điểm nghẽn”, tạo lợi thế mới trong thu hút đầu tư. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết về phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng, trong đó ưu tiên những dự án quan trọng tạo sự đột phá và có tác động lan tỏa lớn. Trước mắt, tỉnh tập trung, chủ động, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương và địa phương trong triển khai các dự án trọng điểm như: đường cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Đắk Nông - Chơn Thành; tuyến đường kết nối trực tiếp với tỉnh Đồng Nai từ ĐT753 qua cầu Mã Đà đến đường Vành đai 4; tuyến đường Đồng Phú - Bình Dương kết nối với tuyến Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng (Bình Dương) đến đường Vành đai 4; tuyến đường phía Tây quốc lộ 13 kết nối Chơn Thành - cửa khẩu quốc tế Hoa Lư thông với Campuchia. Cùng với các tuyến giao thông huyết mạch hiện nay, việc hoàn thành các dự án này sẽ là một trong những yếu tố tiên quyết giúp Bình Phước phát triển mạnh kinh tế - xã hội và tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh.

Tỉnh Bình Phước đã và đang có nhiều giải pháp để huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị thông qua công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, vật kiến trúc, cây trồng theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, góp phần giảm chi phí đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; đa dạng hóa các hình thức để huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội nhằm phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Bình Phước quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai nhiệm vụ để hình thành các trục động lực phát triển của tỉnh, kết nối các trung tâm kinh tế, đô thị của tỉnh với nhau và với mạng lưới giao thông quốc gia, tạo đột phá chiến lược để phấn đấu trở thành điểm đến hấp dẫn của vùng Đông Nam bộ vào năm 2030.
* Là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống và có xuất phát điểm thấp, gần đây tỉnh đã có chương trình xóa 1.000 hộ nghèo DTTS, bà có thể cho biết thêm về chương trình này?
* Tỉnh Bình Phước hiện có 41 đồng bào DTTS cùng sinh sống, chiếm gần 20% dân số toàn tỉnh. Đồng bào DTTS của tỉnh Bình Phước sinh sống đan xen trên địa bàn 111 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thị xã, thành phố. Xuất phát từ thực trạng tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn cao nên năm 2019 tỉnh đã ban hành Chương trình mỗi năm giảm 1.000 hộ nghèo DTTS.
Chương trình nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự tham gia ủng hộ tích cực của cả hệ thống chính trị và nhân dân; các ngành, các cấp đã có sự phối hợp chặt chẽ để tập trung các nguồn lực hỗ trợ cho hộ nghèo đồng bào DTTS; nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo được áp dụng phù hợp với nguyện vọng của đồng bào DTTS, tạo động lực để hộ nghèo đồng bào DTTS chủ động nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Qua 5 năm triển khai, toàn tỉnh đã giảm được gần 6.600 hộ nghèo đồng bào DTTS, đạt hơn 130% kế hoạch. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chỉ còn 0,2%, phấn đấu đến cuối năm 2025 toàn tỉnh Bình Phước sẽ không còn hộ nghèo.

* Bình Phước là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Theo bà, làm thế nào để giáo dục truyền thống hiệu quả cho giới trẻ?
* Nhận thức được vị thế, những giá trị to lớn, giàu tính nhân văn của các di tích lịch sử - văn hóa và cách mạng, tỉnh Bình Phước đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện ngày càng tốt hơn công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa và cách mạng. Nhiều địa phương chỉ đạo các đoàn thể, trường học tổ chức cho đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia chỉnh trang, trồng hoa, cây xanh tại các điểm di tích, nghĩa trang liệt sĩ, có nơi giao cho đoàn viên thường xuyên chăm sóc, bảo vệ di tích; dâng hương tưởng nhớ công ơn của các anh hùng, liệt sĩ; kết nạp đội viên, đoàn viên tại các khu di tích lịch sử; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan, du khảo về nguồn, tìm hiểu ý nghĩa, giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa, thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, người có công bằng những việc làm mang tính giáo dục sâu sắc.
Thông qua các hoạt động này đã tạo ra môi trường lành mạnh, giúp cho thế hệ trẻ phát huy truyền thống yêu nước; xác định mục tiêu, lý tưởng cách mạng, đạo đức trong sáng và ý thức được trách nhiệm của bản thân để phấn đấu trong học tập và rèn luyện, trưởng thành, phát huy tinh thần xung kích tham gia các hoạt động an sinh xã hội, chung tay xây dựng quê hương Bình Phước ngày càng giàu đẹp.