Các đại biểu tham dự hội nghị |
Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Văn Mi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, với kết quả chỉ số PCI Bình Phước năm 2022 tăng mạnh 2,15 điểm (từ 62,17 lên 64,32 điểm), tăng 7 bậc (từ vị trí 50 lên 43/63 tỉnh, thành), xu hướng tiến nhanh về vị trí trung vị của cả nước. Việc đánh giá chỉ số DDCI năm 2021 đã giúp từng cơ quan, đơn vị xác định rõ thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm của ngành, đơn vị để từ đó đề ra giải pháp khắc phục những mặt hạn chế, yếu kém; kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy cải thiện chỉ số PCI của tỉnh năm 2022.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước phát biểu tại hội nghị |
UBND tỉnh đánh giá cao sự đổi mới, sáng tạo và những nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, địa phương; sự chung tay, góp sức và vào cuộc của người dân, doanh nghiệp đã góp phần hỗ trợ tỉnh đạt được những kết quả quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI năm 2022.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, năm 2022 khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp trong cả nước gặp phải là tiếp cận vốn, tìm kiếm khách hàng, khó khăn của dịch Covid-19, biến động thị trường và tìm kiếm đối tác kinh doanh.
Phó trưởng Ban Pháp chế VCCI Phạm Ngọc Thạch phát biểu tại hội nghị |
Đối với Bình Phước, năm 2022, thứ hạng tăng 7 bậc từ vị trí 50/63 lên 43/63 tỉnh, thành, xu hướng tiến nhanh về vị trí trung vị của cả nước. Trong đó có 6 chỉ số thành phần tăng cả điểm số và xếp hạng. Đối với chỉ số Tiếp cận đất đai mặc dù điểm số có giảm nhưng thứ hạng tăng 6 bậc, xếp thứ 23 của cả nước. Chỉ số Chi phí không chính thức tăng 0,55 điểm nhưng vẫn giữ nguyên thứ hạng 59.
Có 2 chỉ số thành phần giảm cả điểm số và xếp hạng: Chỉ số Tính minh bạch và chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, lần lượt giảm 0,07 điểm và 1,19 điểm, xếp thứ 13 và 26 của cả nước.
So sánh với khu vực Đông Nam bộ, chỉ có Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu tăng điểm số và thứ hạng. Mặc dù vẫn xếp thứ 5/6 tỉnh, thành trong khu vực, nhưng trong năm qua Bình Phước có nhiều nỗ lực để rút ngắn khoảng cách so với các tỉnh, thành còn lại.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, bên cạnh các chỉ số thành phần PCI tăng vẫn có các chỉ số thành phần bị giảm điểm, trong đó đáng chú ý có Chỉ số Chi phí không chính thức, năm 2022 đạt 6,39 điểm, xếp hạng 59/63 tỉnh thành. Mặc dù tăng 0,55 điểm nhưng vẫn ở vị trí thứ hạng rất thấp. Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh năm 2023 và các năm tiếp theo, cải thiện vị trí xếp hạng PCI, PGI, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, các cấp ủy đảng, các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ đầu mối nói riêng, các cơ quan có liên quan nói chung cần nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện. Đồng thời khẩn trương rà soát và có các giải pháp mạnh mẽ, đổi mới hơn nữa để cải thiện các chỉ số thành phần PCI, PGI.
Lãnh đạo tỉnh Bình Phước tặng bằng khen của UBND tỉnh cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh |
Bên cạnh đó, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố cần nghiêm túc chấn chỉnh, tổ chức phân công, giao trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cùng với các giải pháp hiệu quả trong tổ chức thực hiện. Mặt khác, cần nghiêm túc xác định trách nhiệm, xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết và tổ chức khắc phục, thực hiện hiệu quả hơn trong năm 2023. Đề ra các giải pháp hữu hiệu tổ chức thực hiện nhằm cải thiện chỉ số DDCI tại chính cơ quan, đơn vị nói riêng và chỉ số PCI nói chung. Tiếp tục đổi mới về tư duy, nhận thức, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc xây dựng chính quyền minh bạch, liêm chính, hành động, kiến tạo, phục vụ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.