Tham dự có lãnh đạo Vụ Công tác Dân tộc địa phương, Ủy ban Dân tộc; cùng 300 gương điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.
Phát biểu tại hội nghị, bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, hội nghị là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, không chỉ ghi nhận vai trò của người có uy tín, già làng tiêu biểu, cán bộ cốt cán, nhân sĩ, trí thức, học sinh, sinh viên, doanh nhân, người sản xuất - kinh doanh giỏi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà còn thể hiện sự quan tâm của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc.
Thời gian qua, mặc dù nhiều khó khăn, song với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023 có nhiều điểm sáng tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh khá, cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước, trong đó tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,34%, đứng thứ 11/63 tỉnh, thành phố và đứng đầu vùng Đông Nam bộ.
Thu hút đầu tư nước ngoài có nhiều khởi sắc với 45 dự án, đứng thứ 13 cả nước. 7 xã đạt nông thôn mới, 6 xã đạt nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số xã nông thôn mới của tỉnh lên 80/86 xã. Đặc biệt, trong năm đã giảm khoảng 2.000 hộ nghèo, trong đó khoảng 1.100 hộ nghèo đồng bào DTTS, góp phần đưa tổng số hộ nghèo của tỉnh giảm sâu xuống khoảng 1.000 hộ.
Bà Trần Tuyết Minh đề nghị, các cơ quan, địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch, đề ra giải pháp, thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tiếp tục nhân rộng các điển hình tiên tiến, phát huy hiệu quả vai trò của già làng, người có uy tín, cán bộ cốt cán, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, người sản xuất - kinh doanh giỏi và thế hệ trẻ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Dịp này, 4 tập thể, 39 cá nhân điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2023 được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước tặng bằng khen.
Bình Phước hiện có hơn 1 triệu dân, với 41 thành phần dân tộc cùng sinh sống đoàn kết, trong đó 40 thành phần DTTS, với gần 201.500 người, chiếm 19,67% dân số toàn tỉnh. Các dân tộc chung sống đan xen trên địa bàn 111 xã, phường, thị trấn thuộc 11 huyện, thị xã, thành phố.