Sức mua chưa cải thiện
Tại TPHCM, quý 1-2024, tăng trưởng bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 12,2% so với cùng kỳ. Dù vậy, theo số liệu của ngành công thương thành phố, lượng NTD mua hàng tạp hóa, quần áo, giày dép đang trong xu hướng giảm mạnh từ 50%-70%, thậm chí với nhóm ngành thực phẩm thiết yếu cũng giảm trung bình 10%-30%.
Những khảo sát gần đây của các đơn vị nghiên cứu thị trường cũng chỉ ra rằng, NTD vẫn đang trong giai đoạn cắt giảm chi tiêu và chỉ chi tiêu cho sản phẩm cực kỳ thiết yếu. Bên cạnh đó, phần đông NTD cũng bày tỏ lo ngại về xu hướng giá cả hàng hóa cao, trong khi mức lương không được cải thiện nhiều. Điều này buộc họ phải cân nhắc nhiều hơn khi mua sắm, lựa chọn sản phẩm có giá cả hợp lý, được khuyến mãi nhiều hơn…
Ghi nhận tại nhiều hệ thống bán lẻ ở khu vực quận Bình Thạnh, TP Thủ Đức… cho thấy, các bà nội trợ khi tới siêu thị mua sắm hầu hết chỉ tập trung ở quầy thực phẩm tươi sống, chọn mua một số mặt hàng rồi đi thẳng ra quầy thanh toán. “Vật giá ngày càng đắt đỏ nhưng thu nhập không tăng nên mình buộc phải tiết giảm những thứ không thiết yếu. Thậm chí với thực phẩm, cũng mua có chọn lọc chứ không dàn trải như trước nữa”, chị Mai Thúy Hằng, ngụ TP Thủ Đức, cho biết. Trong một chia sẻ gần đây, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho rằng, 6 tháng đầu năm 2024 vẫn là chặng đường khó khăn đối với doanh nghiệp Việt trước bài toán thâm nhập, chinh phục NTD nội địa, mở rộng thị trường.
Chung sức ổn định thị trường
Trước những khó khăn trên, để góp phần ổn định thị trường, chia sẻ khó khăn với NTD, TPHCM đang tiếp tục triển khai Chương trình bình ổn thị trường năm 2024. Chương trình năm nay không chỉ thực hiện bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu mà còn có giải pháp phát triển chuỗi cung ứng bền vững - từ khâu nguyên liệu, sản xuất đến vận chuyển, phân phối - nhằm mang lại nhiều lợi ích hơn cho tất cả các bên. Quan trọng hơn, theo Sở Công thương TPHCM, mặc dù kinh tế phát triển nhưng trên địa bàn TPHCM vẫn còn rất nhiều người lao động có thu nhập thấp, người yếu thế, khó khăn cần được chăm lo. Nếu những biến động giá cả hàng tiêu dùng thiết yếu xảy ra thường xuyên, dù là biên độ thấp, cũng ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của những nhóm người này. Vì vậy, TPHCM đẩy mạnh công tác bình ổn thị trường nhằm giúp người dân yên tâm hơn trong chi tiêu, mua sắm phục vụ đời sống hàng ngày.
Chương trình năm nay thu hút 69 doanh nghiệp đầu mối tham gia. Phần lớn đó là những doanh nghiệp quy mô lớn, thương hiệu uy tín, chiếm thị phần cao và là đầu mối của các chuỗi cung ứng như Vinamilk, Nutifood, Vissan, Bình Tây, Miliket, Saigon Food, Saigon Co.op… Qua đó, giúp gia tăng sản lượng, tăng cơ hội tiếp cận, mua sắm hàng hóa bình ổn thị trường cho NTD; đồng thời nâng cao khả năng chi phối, điều tiết thị trường của chương trình. Đặc biệt, năm nay chương trình còn bổ sung rất nhiều sản phẩm mới ở tất cả nhóm hàng, trong đó, lần đầu tiên, laptop, máy tính để bàn, máy in phun, laser... được bổ sung vào nhóm các mặt hàng thiết bị điện tử phục vụ học tập.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, hiện lượng hàng bình ổn giá chiếm 21%-32% thị phần trong tháng thường, 24%-41% nhu cầu thị trường trong tháng tết và đủ sức chi phối, điều tiết thị trường. Về giá cả, theo quy định, các mặt hàng trong chương trình bình ổn giá luôn thấp hơn tối thiểu 5% so với giá bình quân thị trường cùng thời điểm, với sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng.
Kinh nghiệm tham gia chương trình nhiều năm nay, nhà bán lẻ Saigon Co.op cho biết, để có lượng hàng ổn định, giá cả hợp lý phục vụ NTD, Saigon Co.op đã lên kế hoạch kinh doanh cả năm, đồng thời tiến hành mua hàng tận gốc với số lượng lớn. Để đa dạng nguồn hàng, từ đầu năm tới nay, nhà bán lẻ này đã tiến hành ký kết hợp tác với nhà cung cấp ở nhiều địa phương trên cả nước. Trong đó, ở khu vực miền Trung, vào tháng 3-2024, Saigon Co.op đã phối hợp cùng Sở Công thương tỉnh Quảng Trị ký kết với nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã ở địa phương này nhằm kết nối các sản phẩm của tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng vào tiêu thụ trong hệ thống quản lý của Saigon Co.op; phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh cung cấp thông tin chi tiết sản phẩm thực phẩm thuộc chuỗi cung ứng các sản phẩm theo yêu cầu và tiêu chuẩn kỹ thuật của Saigon Co.op. Ở khu vực TPHCM, trong tháng 3-2024, Saigon Co.op đã ký kết với 6 đối tác kinh doanh các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu với cam kết cùng nhau xây dựng chuỗi cung ứng xanh, bền vững phục vụ NTD; đảm bảo lợi ích về sức khỏe NTD, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bình ổn thị trường…
Song song đó, Saigon Co.op cũng liên kết chặt chẽ với các nhà cung cấp thực hiện luân phiên nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi hàng tiêu dùng. Từ sau tết tới nay, đều đặn mỗi tháng nhà bán lẻ này thực hiện 2 đợt khuyến mãi, mỗi đợt là một ngành hàng khác nhau để NTD dễ dàng lên kế hoạch chi tiêu.