Chiếm 30% doanh thu
Theo Sở Y tế TPHCM, ngay sau khi UBND TP ban hành Quyết định 1172, Sở Y tế đã phối hợp với Sở Công thương và các doanh nghiệp (DN) tham gia để thực hiện. Sở Y tế cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo gửi các phòng y tế quận, huyện và cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TP để triển khai chương trình với nhiều giải pháp phù hợp. Để làm tốt công tác này, Sở Y tế tiếp tục cử chuyên viên đến các phòng y tế, thông qua các cuộc họp hành nghề y dược; giao ban quận, huyện.
Đối với các bệnh viện, sở thường xuyên nhắc nhở, đôn đốc việc thực hiện CTBOTT trong các cuộc họp giao ban, yêu cầu lãnh đạo bệnh viện chỉ đạo bác sĩ kê đơn thuốc nội và thuốc bình ổn trong điều trị, đưa nội dung kê đơn thuốc bình ổn vào công tác thi đua, khen thưởng của bệnh viện. Về phía các bệnh viện cũng vận động các bác sĩ điều trị kê toa thuốc, đồng thời có nhiều giải pháp kiểm soát việc kê đơn thuốc, chỉ đạo các nhà thuốc thực hiện đầy đủ các cam kết khi tham gia CTBOTT. Đến nay, công tác chỉ đạo đưa thuốc bình ổn vào khám chữa bệnh tại các bệnh viện đã thành nề nếp, đi vào chiều sâu, huy động cả hệ thống cùng tham gia CTBOTT các mặt hàng dược phẩm dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy.
Chính sự theo dõi, chỉ đạo sát sao, mà doanh số thuốc bình ổn tiếp tục được duy trì ổn định. Tổng doanh thu bán thuốc CTBOTT trong năm 2017 đạt gần 71 tỷ đồng. Số mặt hàng thuốc tham gia bình ổn lên tới 531 mặt hàng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, người dân có nhiều lựa chọn thuốc bình ổn hơn trong điều trị bệnh. Đối với từng DN, doanh số bán thuốc bình ổn tăng khoảng 30%, góp phần giúp doanh số bán thuốc nội tăng tương ứng. Tỷ lệ thuốc bình ổn trên tổng giá trị thuốc nội được sử dụng ở các bệnh viện TP đạt trên 30%; bệnh viện quận, huyện khoảng 40%, góp phần làm cho tỷ lệ tiền thuốc sản xuất trong nước sử dụng tại các bệnh viện tuyến TP đạt 45% và tuyến quận, huyện đạt 65% tổng số tiền thuốc điều trị. Doanh số bán thuốc bình ổn ở các nhà thuốc bệnh viện chiếm khoảng 30% tổng doanh số bán thuốc của toàn TP.
Tiếp tục bình ổn 383 mặt hàng
Theo Quyết định 1172 của UBND TPHCM, CTBOTT các mặt hàng dược phẩm thiết yếu trên địa bàn TPHCM năm 2018-2019 sẽ có hiệu lực từ ngày 1-4-2018 đến 31-3-2019. Chương trình được thực hiện nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường, chăm lo an sinh xã hội; đồng thời, gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” của Bộ Y tế và chương trình “Thuốc Việt cho người Việt” của Sở Y tế TPHCM. Do vậy, dược phẩm trong chương trình là thuốc sản xuất trong nước tại các nhà máy đạt chuẩn GMP-WHO, đảm bảo chất lượng. Lượng thuốc bình ổn có khả năng cân đối cung - cầu cho người dân TP, kể cả trong trường hợp có xảy ra biến động giá, nhu cầu sử dụng thuốc thiết yếu tăng cao.
Danh mục thuốc bình ổn thị trường năm nay được xây dựng căn cứ vào danh mục thuốc chủ yếu dùng cho cơ sở khám chữa bệnh, danh mục thuốc thiết yếu Việt Nam ban hành và nhu cầu sử dụng thuốc thiết yếu của người dân TP. Căn cứ vào nhu cầu thực tế cũng như khả năng cung ứng của các DN, CTBOTT các mặt hàng dược thiết yếu sẽ thực hiện bình ổn đối với 21 nhóm thuốc, 176 hoạt chất với 383 mặt hàng. Theo tính toán, số lượng thuốc bình ổn sẽ chiếm bình quân 50% nhu cầu của các nhóm thuốc thiết yếu người dân TP sử dụng trong năm.
Giá bán của các nhóm thuốc trong chương trình thấp hơn giá bán của sản phẩm cùng loại (cùng biệt dược) trên thị trường ít nhất từ 5% - 10%. Sở Y tế và Sở Tài chính TPHCM xác định giá thuốc bình ổn năm 2018 căn cứ vào việc tham khảo giá thuốc tham gia chương trình tại thời điểm đăng ký, giá thuốc trúng thầu thông qua đấu thầu tập trung tại Sở Y tế năm 2016 và thặng số bán lẻ tối đa cho phép theo Nghị định 54 ngày 8-5-2017 của Chính phủ.
Trong trường hợp giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào biến động tăng cao hơn 15% so với thời điểm đơn vị đăng ký giá bán bình ổn thị trường, các đơn vị được điều chỉnh tăng giá bán. Khi điều chỉnh tăng giá bán bình ổn, đơn vị thực hiện đăng ký lại giá bán và được Sở Y tế, Sở Tài chính thẩm định, chấp thuận bằng văn bản. Trường hợp thị trường biến động giảm giá từ 5% trở lên, các đơn vị phải đăng ký điều chỉnh giảm giá bán tương ứng, có gửi thông báo về các sở, ngành chức năng. Điều quan trọng, giá thuốc tham gia chương trình phải niêm yết công khai, thống nhất và có in logo chương trình trên băng rôn ở tất cả các điểm bán.
Dựa theo các tiêu chí này, Sở Tài chính đã tiến hành thương thảo với các DN tham gia CTBOTT để đưa ra giá bán cụ thể đối với 383 mặt hàng thuốc trong năm 2018 và Tết Kỷ Hợi 2019.
Theo kế hoạch, sắp tới, Sở Y tế phối hợp với các sở, ngành chức năng tổ chức hội nghị triển khai CTBOTT các mặt hàng dược phẩm thiết yếu đến các DN, bệnh viện cùng hệ thống nhà thuốc nhằm triển khai thực hiện tốt chương trình năm 2018 trên địa bàn TPHCM, góp phần đưa thuốc bình ổn đến với người dân có nhu cầu tốt hơn.
Dược phẩm thiết yếu phục vụ bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố gồm 21 nhóm thuốc sản xuất trong nước, trị các bệnh thường gặp ở nhiều người, bệnh mãn tính, bao gồm các loại thuốc giảm đau - hạ sốt (48 mặt hàng), thuốc trị ho (12 mặt hàng), thuốc chống dị ứng (22 mặt hàng), thuốc nhỏ mắt (7 mặt hàng), thuốc trị đau dạ dày (31 mặt hàng), thuốc trị tiêu chảy (14 mặt hàng), thuốc tim mạch (41 mặt hàng), thuốc điều trị tiểu đường (15 mặt hàng), thuốc kháng sinh (54 mặt hàng), thuốc kháng viêm (2 mặt hàng), thuốc chống thoái hóa khớp (7 mặt hàng), thuốc trị giun (2 mặt hàng), thuốc trợ tiêu hóa (10 mặt hàng), vitamin - khoáng chất (27 mặt hàng), thuốc dùng ngoài (17 mặt hàng), thuốc trị hen phế quản (2 mặt hàng), thuốc cải thiện tuần hoàn não (7 mặt hàng), thuốc chống rối loạn tâm thần (4 mặt hàng), thuốc trị nấm (6 mặt hàng), thuốc từ dược liệu (16 mặt hàng), thuốc khác (24 mặt hàng).
* 14 công ty tham gia bình ổn thuốc
Công ty TNHH Liên doanh Stada Việt Nam, Công ty cổ phần Dược phẩm 3/2, Công ty cổ phần Dược phẩm OPV, Công ty Nadyphar, Công ty Roussel Việt Nam, Công ty cổ phần Pymepharco, Công ty Merap, Công ty cổ phần Dược phẩm Agimexpharm, Công ty cổ phần Dược phẩm Dược liệu - Pharmedic, Công ty cổ phần Dược phẩm Tipharco, Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm, Công ty cổ phần Dược phẩm Savi, Công ty cổ phần Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar) và Công ty Phân phối dược phẩm Sapharco.