Bình gas bị chiếm dụng trái phép và những hệ lụy

Công ty TNHH Khí hóa lỏng Việt Nam - VT GAS (Công ty VT GAS) là đơn vị thành viên trực thuộc Công ty Cổ phần Kinh doanh Khí miền Nam (GAS SOUTH). Hiện nay, VT GAS đang kinh doanh 4 nhãn hiệu LPG chai trên thị trường được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ gồm: VT - GAS, GAS DẦU KHÍ, A GAS, JP GAS. 

Nhưng nhiều năm trở lại đây, vỏ bình gas của công ty bị các cá nhân, tổ chức thu gom, chiếm dụng để chuyển đổi nhãn hiệu với mục đích chiếm đoạt tài sản của công ty và tạo ra nguy cơ gây mất an toàn cho khách hàng.

Hàng ngàn vỏ bình gas bị chiếm dụng

Theo hồ sơ PV Báo SGGP thu thập được, tình trạng chiếm dụng trái phép vỏ bình gas mang các nhãn hiệu, dấu hiệu nhận biết của Công ty VT GAS được cơ quan chức năng phát hiện từ năm 2020. Vỏ bình sau khi bị chiếm dụng được cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm cắt tai, mài bỏ, mài chữ nổi, thay đổi kết cấu, sơn, sửa để chuyển đổi sang các nhãn hiệu khác.

Clip: Công ty VT GAS bị chiếm dụng vỏ bình gas trái phép

Cụ thể, năm 2020 tại địa chỉ xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Công ty VT GAS phối hợp cùng lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai phát hiện tại Trạm chiết nạp Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) của Công ty TNHH Nam Việt Phát sử dụng các bình gas nhãn hiệu Petrovietnam Gas nhưng trên thân vỏ bình có các dòng chữ: VT-GAS, GAS DAU KHI, A GAS, JP-GAS, PVGC, PV GAS, GAS-S, PGS, PETECHIM và trên quai xách có đục thủng chữ MEKONG, KMN đây là những dấu hiệu nhận biết vỏ bình Gas là tài sản thuộc quyền quản lý, sở hữu của Công ty VT GAS. Công ty VT GAS đã yêu cầu lập vi bằng ghi nhận làm chứng cứ hành vi vi phạm của Công ty TNHH Nam Việt Phát.

z6431566189592_3c42d116cd23a0a173dc67f9fb635b62.jpg
Vỏ bình gas của Công ty VT GAS bị chiếm dụng ngoài thị trường

Cũng trong năm 2020, Công ty VT GAS yêu cầu thừa phát lập vi bằng làm chứng cứ ghi nhận hành vi của Công ty TNHH Khí đốt Vịnh Phát khi sử dụng Chai LPG nhãn hiệu Petrovietnam Gas để chiết nạp khí dầu mỏ hóa lỏng (gas) nhưng trên thân vỏ chai, quai xách có dập nổi, chìm các dòng chữ: PVGC, PV-GAS, PV GAS-S, PGS, GAS DAU KHI hoặc trên quai xách có đục chìm chữ PETECHIM, PGS hoặc đục thủng chữ MEKONG đây là những dấu hiệu nhận biết vỏ bình là tài sản của Công ty VT GAS. Khi cơ quan chức năng vào cuộc xử lý, các vỏ bình trên được Công ty TNHH Khí đốt Vịnh Phát giao trả lại cho chủ sở hữu là Công ty VT GAS.

Tiếp đó, năm 2022 Công ty VT-GAS phối hợp với Công an TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương phát hiện tại nhà xưởng Công ty TNHH Hải Âu, địa chỉ số 8, đường Lý Thường Kiệt đang lưu giữ hàng ngàn vỏ bình gas có các thông tin dập nổi, chìm trên thân chai hoặc trên tay xách có các chữ: PV GAS-S, PVGC, MEKONG, PETECHIM, A GAS, PGS với nhiều kích thước, chủng loại, màu sắc khác nhau thuộc quyền quản lý và sở hữu của VT GAS. Trong khi đó, Công ty VT GAS không có hợp đồng hay thỏa thuận về sửa chữa, kiểm định lại các vỏ bình gas thuộc sở hữu, quản lý với Công ty TNHH Hải Âu.

z6431566499113_30fe5453e3ad058601363d7ecd21e78c.jpg
Việc chiếm dụng vỏ bình gas của Công ty VT GAS diễn ra trắng trợn

Trước những hành vi vi phạm của các tổ chức, Công ty VT GAS yêu cầu lập vi bằng làm chứng cứ gửi các cơ quan chức năng có thẩm quyền đề nghị xử lý hành vi chiếm dụng, sơn sửa trái phép vỏ bình LPG thuộc quyền sở hữu của đơn vị theo quy định pháp luật.

Tràn lan ngoài thị trường

Đầu tháng 3-2025, trong vai người tìm hiểu thị trường, chúng tôi đến đại lý gas Đ.Đ.P. trên đường Bùi Đình Túy, phường 26, quận Bình Thạnh, TPHCM, kinh doanh, buôn bán các bình gas nhãn hiệu Petrovietnam gas với đủ kích cỡ. Theo quan sát, một số thân vỏ bình gas có dòng chữ Petrovietnam gas nhưng quai xách lại dập nổi chữ PV GAS-S của Công ty VT GAS. Một số người dân quanh khu vực cho biết, họ mua các bình gas nhãn hiệu Petrovietnam Gas về dùng, chứ không quan tâm đến việc chiếm dụng vỏ bình của các nhà sản xuất.

z6431567125948_9910d5770bc4e7ef1dd10d551de3be84.jpg
Những bình gas của Công ty VT GAS bị chiếm dụng đang tràn lan ngoài thị trường

Đến cửa hàng kinh doanh LPG có tên L.P.Q. ở phường Tân Quý, quận Tân Phú, kinh doanh các nhãn hiệu gas của Công ty VT GAS lẫn Petrovietnam gas, chúng tôi tiếp tục phát hiện một số thân vỏ bình mang nhãn hiệu Petrovietnam gas nhưng quai xách dập nổi dòng chữ PV GAS-S. Theo chủ cửa hàng bán gas, vỏ bình gas của VT GAS vẫn trôi nổi, tràn lan ngoài thị trường. Dù biết là bình của VT GAS nhưng đó là chuyện của các nhà sản xuất, thương nhân đầu mối với nhau, cửa hàng chỉ quan tâm việc nhập gas về có bán được hay không, lời lãi bao nhiêu.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại một cơ sở bán gas trên đường Tôn Đản, phường 4, quận 4. Chủ cơ sở này thừa nhận thường xuyên thấy vỏ bình gas nhãn hiệu Petrovietnam gas nhưng tay xách dập nổi dòng chữ như: VT-GAS, GAS DAU KHI, A GAS, JP-GAS, PVGC, PV GAS, GAS-S, PGS.

Theo đại diện Công ty VT GAS, để bảo vệ tài sản là các vỏ bình gas, công ty đã tạo thêm dấu hiệu nhận biết mới bằng cách đục thủng dòng chữ KMN trên quai xách vỏ bình (ngoài các dấu hiệu dập chìm/nổi như đã nêu ở trên), đồng thời công ty đã thực hiện thêm ứng dụng quản lý truy xuất nguồn gốc vỏ bình bằng số hóa. Tuy nhiên, vỏ bình gas của đơn vị vẫn bị chiếm dụng một cách trắng trợn, bán tràn lan ngoài thị trường.

Tại thị trường Đông Nam bộ, Công ty VT GAS có khoảng 1,7 triệu đến 2 triệu vỏ bình gas loại 12kg, nhưng có khoảng 30% vỏ bình bị chiếm dụng với giá trị 680.000 đồng/vỏ bình; còn bình 45kg bị chiếm dụng có giá 1.500.000 đồng. Cá nhân, tổ chức chiếm dụng vỏ bình gas không phải đầu tư, sản xuất bình gas nên bán sản phẩm với giá rẻ hơn từ 15.000 - 30.000 đồng/bình gas đối với bình 12kg và hơn 100.000 đồng với loại bình 45kg, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường. Đáng nói thêm, khi đến thời hạn kiểm định vỏ bình, cá nhân, tổ chức chiếm dụng lại “nhả” bình gas ra đưa ra các đầu mối thu đổi vỏ, đưa lại nhà cung cấp. Công ty VT GAS phải gom để sơn, sửa, bảo dưỡng, kiểm định lại với chi phí từ 50.000 - 150.000 đồng/vỏ bình (loại bình 12kg và bình 45kg).

Luật sư Nguyễn Thị Lệ (Công ty Luật TNHH Hãng Luật Thành Nam, Đoàn LS TPHCM) nêu quan điểm: Vỏ bình gas là tài sản thuộc quyền sở hữu, quản lý của Công ty VT GAS nên việc chiếm dụng, chuyển đổi nhãn hiệu, sơn, sửa trái phép có thể bị xem là hành vi xâm phạm quyền sở hữu tài sản; dấu hiệu hành vi “Sử dụng trái phép tài sản” theo Điều 177 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ Điều 45 Nghị định 99/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí ngày 11-10-2020 quy định phạt tiền đến 80 triệu đồng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi: “Chiếm giữ trái phép, mua, bán, trao đổi, lưu giữ, thu gom chai LPG không thuộc sở hữu”. Ngoài hình phạt tiền, áp dụng thêm các hình thức xử phạt bổ sung, khắc phục hậu quả: Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh mua bán khí đến 3 tháng, buộc trả lại bình gas cho chủ sở hữu, nộp lại số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm hoặc đình chỉ hoạt động kinh doanh nếu hành vi vi phạm gây nguy hiểm nghiêm trọng.

Tin cùng chuyên mục