Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế phát triển nóng, tốc độ đô thị hóa nhanh đã làm quá tải hạ tầng đường bộ, đặt ra vấn đề phải có giải pháp đột phá về giao thông nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Trong nhiều năm qua, kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh Bình Dương phát triển cả về chất lượng lẫn quy mô: Nếu như năm 1997, tỉnh chỉ có 2.186km đường giao thông với quy mô, chất lượng ở mức thấp với số vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông chỉ khoảng 36,73 tỷ đồng thì đến năm 2005, toàn tỉnh có 5.350km đường giao thông, gấp 2,5 lần so với năm 1997, với tổng vốn đầu tư lên tới 309 tỷ đồng, bao gồm 3 tuyến quốc lộ 1A, 1K, 13 và 10 tuyến đường tỉnh, 212 tuyến đường huyện. Đến năm 2015, tổng chiều dài hệ thống đường bộ trên toàn tỉnh đã lên đến 7.421km (tăng 2.071km so với năm 2005) gồm 3 tuyến quốc lộ trên nhưng với tỷ lệ nhựa hóa đạt 100%. Trong đó, quốc lộ 13 đoạn qua tỉnh Bình Dương dài 62km với quy mô đường cấp 1, 6 làn xe nối liền với TPHCM, chạy suốt chiều dài của tỉnh, qua tỉnh Bình Phước, nối liền với Campuchia đến biên giới Thái Lan. Quốc lộ này được xem là “xương sống” trong hệ thống giao thông của tỉnh, là điểm nhấn nổi bật về kiến trúc đô thị và phát triển công nghiệp - dịch vụ của Bình Dương. Quốc lộ 13 cũng là hình mẫu thành công đầu tiên của cả nước trong bối cảnh toàn tỉnh chưa có công trình và dự án giao thông sử dụng vốn của Chính phủ hay Bộ GTVT.
Năm 2009, tỉnh Bình Dương xây dựng tuyến đường huyết mạch Mỹ Phước - Tân Vạn dài 62km với số vốn 4.300 tỷ đồng do Tổng Công ty Becamex IDC đầu tư, kết nối với các tuyến đường, rút ngắn thời gian, khoảng cách lưu thông và vận chuyển hàng hóa. Chỉ riêng TP Thuận An, tuyến đường này đi qua các phường Bình Chuẩn, Thuận Giao, An Phú giúp kết nối với các địa phương khác và đến các đến cảng biển, sân bay; đồng thời là một trong những mắt xích liên kết vùng và là trục giao thông Bắc - Nam nối khu vực Tây Nguyên với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nhờ có con đường này và cầu Phú Long mới được đưa vào sử dụng gần đây, khoảng cách giữa TPHCM và Bình Dương được rút ngắn, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho tỉnh.
Đối mặt với thách thức
Dù được quan tâm đầu tư, nhưng do tốc độ phát triển nhanh, mức độ tập trung các khu công nghiệp dày đặc, thương mại dịch vụ, vận chuyển hàng hóa tăng nhanh, trong khi kết cấu hạ tầng giao thông Bình Dương vẫn chưa theo kịp. Cụ thể là tốc độ gia tăng lưu lượng và phương tiện vận tải (tỉnh Bình Dương hiện chiếm khoảng 10% số lượng xe container trên toàn quốc), dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông mà điểm nóng là khu vực vòng xoay An Phú và ngã tư 550 (TP Thuận An). Tại các khu vực này, tình trạng kẹt xe diễn ra nhiều năm qua, nhất là khi đường Mỹ Phước - Tân Vạn được nối với đường ĐT 743, ngã tư của 2 tuyến đường này quá gần vòng xoay An Phú nên chỉ cần xảy ra ách tắc nhỏ 1 vị trí sẽ dẫn đến kẹt xe cả khu vực.
Để giải quyết các thách thức trên, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bình Dương xem đầu tư phát triển giao thông là một trong 4 chương trình đột phá. Theo đó, tỉnh tiếp tục xây dựng hệ thống giao thông đường bộ theo hướng kết nối đường địa phương với hệ thống giao thông của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, sân bay Quốc tế Long Thành và cụm cảng biển Thị Vải - Vũng Tàu, Hiệp Phước - TPHCM, để nâng cao năng lực lưu thông hàng hóa qua các đầu mối giao thông, tạo thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đô thị.
Các công trình cụ thể sẽ được thực hiện thời gian tới như: phối hợp Bộ GTVT tái khởi động xây dựng đường Hồ Chí Minh, đầu tư đường Vành đai 3 từ Bình Chuẩn đi Quốc lộ 22 và đoạn từ Nhơn Trạch (Đồng Nai) đến Tân Vạn (Bình Dương); Vành đai 4 đoạn từ ĐT 744 đến sông Sài Gòn, xây dựng cầu bắc qua sông; đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 và giai đoạn 2020-2025 hoàn thành cải tạo các giao lộ trên Quốc lộ 13 (tổng vốn hơn 1.400 tỷ đồng); hoàn thành và đưa vào sử dụng trục đường Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng; nâng cấp mở rộng đường ĐT 743 lên 6-8 làn xe tạo tiền đề hình thành tuyến đường cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành…
HĐND tỉnh Bình Dương cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên bốn tuyến đường của tỉnh theo hình thức đối tác công - tư (PPP), gồm: đường Mỹ Phước - Tân Vạn; đường ĐT 746, ĐT 747 B và ĐT 743. Về quy mô, tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn có 6 cầu vượt và 6 hầm chui trên tuyến chính; 15 hầm chui đường ngang; 28 cầu vượt cho người đi bộ; 7 đường gom dân sinh dọc tuyến; duy tu, sửa chữa đường và xây dựng trạm thu phí. Tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 9.600 tỷ đồng, loại hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M), nguồn vốn thực hiện là các khoản thu từ trạm thu phí, vốn tự có của nhà đầu tư và vốn vay.
Theo nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, tỉnh Bình Dương có địa thế thuận lợi, đất đai rộng rãi, phù hợp để phát triển các khu công nghiệp, đô thị. Từ thời kỳ còn là tỉnh Sông Bé, lãnh đạo tỉnh đã nhận thấy đường quốc lộ 13 nối tỉnh Sông Bé đến TPHCM quá nhỏ hẹp, trong khi nơi đây đang hình thành hàng chục khu công nghiệp nên đã có nhiều cuộc làm việc với Bộ GTVT, vận động sức dân, doanh nghiệp làm đường BOT có thu phí với quy mô dự kiến 8 làn xe. Tuy nhiên, thời điểm đó, Bộ GTVT chỉ đồng ý mở rộng lên 6 làn và đến nay tuyến đường quốc lộ 13 huyết mạch của khu vực Đông Nam bộ đã quá tải trầm trọng. |