Theo đó, Bình Dương cấp giấy chứng nhận đầu tư mới cho 48 dự án, tổng số vốn đầu tư tăng 72% so với cùng kỳ năm 2021, đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn FDI (sau TPHCM). Đáng chú ý là các doanh nghiệp có ưu thế về vốn, công nghệ, ít thâm dụng lao động, đất đai, như Tập đoàn Lego, Tập đoàn Pandora (Đan Mạch) đã mạnh tay rót vốn vào các khu công nghiệp trên địa bàn.
Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4.063 dự án FDI từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký là 39,5 tỷ USD. Tỉnh Bình Dương đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu công nghiệp VSIP 3 để đón làn sóng đầu tư mới, ưu tiên cho các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực thân thiện môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo.
* Cùng ngày, tại buổi họp báo thường kỳ, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, địa phương cấp phép cho 23 dự án với tổng vốn đầu tư 12.183,4 tỷ đồng (gồm 4 dự án FDI vốn đăng ký tương đương 5.286,71 tỷ đồng). Đồng thời, tỉnh đã cấp điều chỉnh cho 14 dự án, trong đó điều chỉnh tăng vốn đầu tư 4 dự án.
* Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh Kon Tum đã chấp thuận chủ trương đầu tư 19 dự án với tổng vốn đăng ký gần 1.655 tỷ đồng. Trong đó, tính riêng trong tháng 8, có 3 dự án với tổng vốn đăng ký 296 tỷ đồng. Trong 19 dự án đầu tư vào tỉnh từ đầu năm tới nay, có 10 dự án tại khu công nghiệp, khu kinh tế với tổng vốn đăng ký 172 tỷ đồng; 9 dự án ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế với tổng vốn đăng ký 1.483 tỷ đồng.
* Sở Công thương tỉnh Cà Mau vừa cho biết, kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm 2022 đến nay của Cà Mau tăng trưởng ấn tượng, đạt trên 960 triệu USD, bằng 83% kế hoạch, tăng 40% so với cùng kỳ. Theo đó, xuất khẩu thủy sản đạt gần 800 triệu USD; xuất khẩu phân bón đạt 163 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu vào một số thị trường Mỹ, EU, Australia, Canada… tăng mạnh. Sở Công thương nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp đàm phán, tranh thủ cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết để thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt là đối với mặt hàng tôm.