Hiện tỉnh có 9 khu, điểm DL đang hoạt động, tiêu biểu như: DL sinh thái miệt vườn Lái Thiêu, Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, Làng gốm sứ Tân Phước Khánh, Hưng Định; DL nghỉ dưỡng cuối tuần và vui chơi giải trí ở KDL Đại Nam, Phương Nam resort và DL thể thao cao cấp; DL tâm linh... Đặc biệt, tuyến DL đường sông (sông Đồng Nai và Sài Gòn) đang được khai thác hiệu quả và thu hút du khách quốc tế.
Dù nhiều tiềm năng nhưng kết quả kinh doanh DL của Bình Dương thời gian quan vẫn còn khiêm tốn với doanh thu năm 2011 đạt 830 tỷ đồng, năm 2019 đạt 1.140 tỷ đồng, lượng du khách đạt khoảng gần 5,2 triệu lượt khách (trong đó KDL Đại Nam đóng góp khoảng 41% lượt khách), tăng trưởng bình quân về lượt khách đạt 6% và về doanh thu 5%. Trong khi đó, các địa phương lân cận như Tây Ninh có mức tăng trưởng khá ấn tượng, doanh thu DL tăng 15%, gấp 3 lần Bình Dương; tăng trưởng bình quân ngành DL tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2015-2019 đạt 10,5% về lượt khách, doanh thu đạt 14,6%... Những hạn chế trong các hoạt động DL của tỉnh Bình Dương được xác định là do các dự án đầu tư phát triển DL chủ yếu tập trung ở không gian phía Nam và phía Đông (bao gồm các thành phố: Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một), trong khi đó ở không gian phía Tây Bắc (huyện Dầu Tiếng) nhiều lợi thế nhưng chưa có nhà đầu tư tham gia khai thác; DL nhà vườn phát triển manh mún. Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực DL còn hạn chế, chưa có sản phẩm DL nổi trội làm điểm nhấn thu hút du khách.
Thời gian tới, tỉnh Bình Dương đẩy mạnh liên kết phát triển DL vùng, phối hợp với Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) khai thác và phát triển tuyến DL đường sông trên sông Sài Gòn, sông Đồng Nai; khai thác các tuyến DL hiện hữu và di tích lịch sử văn hóa, tham quan làng nghề truyền thống... Nhờ đẩy mạnh liên kết, tỉnh Bình Dương đã khai trương được tuyến DL đường sông đầu tiên từ bến Bạch Đằng (TPHCM) đến TP Thủ Dầu Một. Gần đây, tỉnh Bình Dương cũng đã kêu gọi doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài đầu tư dự án KDL sinh thái Mê Kông Golf & Villas; Công ty TNHH Xuân Cầu đầu tư dự án trồng mới, khoanh nuôi, bảo vệ rừng kết hợp với phát triển tổ hợp DL, phát triển rừng, thú bán hoang dã tại rừng phòng hộ Núi Cậu, Dầu Tiếng và bán đảo Tha La với quy mô hơn 1.200ha, vốn dự kiến hơn 1.500 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ là điểm đến quan trọng, góp phần tăng tốc phát triển DL của tỉnh.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Dương đã giao các địa phương xây mới, nâng cấp 10 bến tàu khách đường thủy giai đoạn 2020-2025, xây dựng và thực hiện quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu cảng Bà Lụa, phường Phú Thọ, TP Thủ Dầu Một để phục vụ phát triển DL đường sông với các sản phẩm chính là: DL sinh thái miệt vườn, tham quan vườn cây ăn trái ven sông, các cù lao nổi trên sông (cù lao Rùa, cù lao Bạch Đằng, hồ Đá Bàn), làng nghề truyền thống gốm sứ…