Khoản tài trợ này bao gồm 7 triệu USD từ quỹ nguồn vốn thông thường của ADB và 6 triệu USD từ Quỹ Cơ sở hạ tầng khu vực tư nhân Leading Asia (LEAP) do ADB quản lý.
Nhà máy sản xuất phân hữu cơ từ bùn thải sẽ có công suất xử lý 840 tấn mỗi ngày, trong khi nhà máy WTE sẽ có khả năng xử lý 200 tấn rác thải đô thị và công nghiệp mỗi ngày để tạo ra 5 MW điện năng để sử dụng nội bộ tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương. Sản phẩm đầu ra của nhà máy phân hữu cơ sẽ được bán làm phân bón dùng trong nông nghiệp.
Bình Dương là một trong những tỉnh có tốc độ công nghiệp hóa nhanh, tạo ra một lượng lớn chất thải rắn. Năm 2019, toàn tỉnh Bình Dương phát sinh khoảng 2.661 tấn rác thải mỗi ngày. Các cơ sở sản xuất phân hữu cơ từ bùn thải và chuyến hóa rác thành năng lượng công nghiệp có thể giúp giảm lượng rác thải được đưa tới các bãi chôn lấp.
Ông Ramesh Subramaniam, Tổng Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á của ADB nhận định: “Sự gia tăng nhanh chóng chất thải đô thị và công nghiệp tại các khu vực phát triển nhanh của Việt Nam đang gây áp lực cho hệ thống quản lý chất thải của quốc gia, và nếu không được kiểm soát có thể đe dọa sức khỏe cộng đồng. Dự án này hỗ trợ những nỗ lực không ngừng của Việt Nam nhằm cải thiện hệ thống quản lý chất thải nói chung; đồng thời cung cấp một mô hình cho các tỉnh khác ở Việt Nam và các nước xung quanh đang tìm cách giảm thiểu chất thải thông qua các hệ thống xử lý hiện đại và giảm khối lượng rác thải đưa tới bãi chôn lấp”.