Theo ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Bình Dương, quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã đề ra khung chiến lược 6 trụ cột hướng tới phát triển hài hòa, với 37 nhiệm vụ, đảm bảo thực thi đồng bộ.
Quy hoạch tỉnh cũng thể hiện rõ định hướng phát triển bền vững trong chiến lược tích hợp với các thành tố quan trọng như: hợp tác phát triển vùng, đổi mới hệ sinh thái phát triển, phát triển xã hội, con người, phát triển xanh và tổ chức không gian phát triển.
Trong kế hoạch thực hiện quy hoạch quan trọng này, tỉnh Bình Dương triển khai các nhóm giải pháp quan trọng, cụ thể là: Giải pháp về huy động vốn đầu tư; khai thác nguồn lực đất đai; phát triển nguồn nhân lực; giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ; Giải pháp về cơ chế, chính sách, liên kết phát triển; Giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn; Giải pháp tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.
Tại họp báo, phóng viên Báo SGGP về quy hoạch mới được phê duyệt sẽ giúp tỉnh giải quyết như thế nào đối với các vướng mắc trong nhiều quy hoạch treo, dự án treo đã tồn tại hàng chục năm trên địa bàn, gây lãng phí tài nguyên và nguồn lực từ đâu để triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch?
Lãnh đạo Sở KH-ĐT cho biết, quy hoạch lần này mang tính tích hợp, đồng bộ, cùng với việc điều chỉnh của Luật Quy hoạch sẽ được thực hiện trong thời gian tới sẽ giúp tỉnh giải quyết căn cơ, triệt để những tồn tại của các quy hoạch treo và kể cả những vướng mắc từ các luật khác, hạn chế tình trạng quy hoạch nhưng không có nguồn lực thực hiện.
Theo ông Võ Anh Tuấn, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương, về nguồn lực thực hiện, tỉnh sẽ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó nguồn lực quan trọng nhất là con người, với tinh thần dám nghĩ, biết làm và dám chịu trách nhiệm. Cùng đó, các nguồn lực sẽ được tỉnh huy động là từ hợp tác đối tác công tư (PPP) và từ các nguồn xã hội hóa khác.
Trong dịp công bố quy hoạch tỉnh Bình Dương, dự kiến tỉnh sẽ trao giấy chứng nhận đầu tư cho 6 dự án với tổng số vốn lên tới 1,5 tỷ USD.