Hiện, tỉnh Bình Dương đang tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Thời gian qua, Bình Dương khai thác lợi thế là tỉnh có nhiều khu, cụm công nghiệp, nhà máy sản xuất; hệ thống giao thông phát triển đồng bộ. Mặt khác, tỉnh có cơ sở hạ tầng phục vụ các sự kiện, hội nghị, hội thảo quốc gia, quốc tế như với hệ thống khách sạn đạt chuẩn từ 3-5 sao; xây dựng các sản phẩm du lịch công nghiệp kết hợp du lịch MICE đáp ứng nhu cầu cho các nhà đầu tư đến tỉnh để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Trong năm 2024, tỉnh đã đón và phục vụ hàng trăm đoàn khách đến tìm kiếm cơ hội đầu tư, dự hội nghị, hội thảo kết hợp tham quan các khu, cụm công nghiệp, như: Diễn đàn hợp tác kinh tế Horasis; Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA) và các sự kiện do bộ, ngành tổ chức tại Bình Dương. Đây là cơ hội để giới thiệu tiềm năng, thu hút đầu tư vào tỉnh; giới thiệu nét văn hóa đặc sắc, trong đó có các sản phẩm trái cây, gốm sứ đã làm nên thương hiệu đến du khách.
Tỉnh định hướng tiếp tục phát triển các sản phẩm du lịch gắn với tiến trình xây dựng thành phố thông minh: hình thành các sản phẩm du lịch ven sông gắn với khu, điểm nghỉ dưỡng cao cấp; phát triển các sản phẩm du lịch thể thao cao cấp (golf), du lịch nghỉ dưỡng; hình thành hệ sinh thái công nghệ số phục vụ đối tượng du khách theo xu hướng du lịch số. Cùng với đó là phát triển các sản phẩm du lịch gắn với các sự kiện mang tầm quốc gia, quốc tế; các sự kiện văn hóa, thể thao quy mô lớn; đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ hiện đại phục vụ phát triển sản phẩm du lịch MICE.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng xác định liên kết giữa các địa phương là vô cùng cần thiết nhằm tạo chuỗi giá trị gia tăng cho sản phẩm, hợp tác kích cầu du lịch, mở rộng thị trường, hình thành các sản phẩm đặc trưng của vùng Đông Nam bộ tới du khách. Do Bình Dương nằm kề TPHCM bằng đường bộ và đường sông (chung dòng sông Sài Gòn), lại giáp với tỉnh Bình Phước (chung dòng sông Bé) nên việc liên kết để hình thành các tour du lịch liên tuyến đường sông từ TPHCM lên Bình Dương - Bình Phước sẽ giúp du khách có thêm nhiều trải nghiệm bên cạnh lộ trình bằng đường bộ vốn tốn nhiều thời gian do đường sá quá tải dễ gây kẹt xe, gây tâm lý không thoải mái cho du khách.