Dù chịu áp lực lớn về gia tăng số học sinh cơ học, phòng ốc xây thêm hàng năm chưa đáp ứng đủ nhu cầu học tập nhưng chất lượng giảng dạy của tỉnh luôn được cải thiện và từng bước nâng cao, góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới toàn diện giáo dục - đào tạo (GD-ĐT).
Những con số ấn tượng
Theo Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương, hiện nay mạng lưới trường, trung tâm các cấp học được phân bố hợp lý, quy mô trường lớp mầm non (MN) tiếp tục tăng nhanh và vượt chỉ tiêu kế hoạch năm học. Cuối năm học 2019-2020, toàn tỉnh có 692 trường học và trung tâm giáo dục thường xuyên, gồm 380 trường công lập và 312 trường ngoài công lập. Năm học 2020-2021 có gần 508.000 học sinh các cấp nhập học, 19 trường học mới với 327 phòng học (nằm trong kế hoạch xây dựng mới 27 trường học năm 2020) được đưa vào sử dụng.
Bên cạnh đó, trang thiết bị được đầu tư theo hướng chuẩn hóa và hiện đại, bảo đảm đầy đủ số lượng, đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh và giảng dạy của giáo viên; số lượng trường công lập đạt chuẩn quốc gia đạt 75,95%, vượt chỉ tiêu đề ra (chỉ tiêu đến năm 2020 đạt 70%-75%).
Chất lượng và hiệu quả GD-ĐT ở tất cả các cấp học ngày càng ổn định và nâng lên, cụ thể: Duy trì công tác phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, 99,99% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học, kết quả học sinh giỏi quốc gia năm 2020 của tỉnh được nâng lên cả về số lượng lẫn chất lượng với 34 giải (tăng 5 giải so với năm 2019) và hiện toàn tỉnh không bỏ sót trẻ đến độ tuổi nhưng không được đến trường, không có trường hợp học ca 3.
Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 vừa qua cũng khá sát với điểm học bạ, phản ánh đúng chất lượng giảng dạy của tỉnh thời gian qua. Và một trong những điểm nhấn của ngành giáo dục tỉnh Bình Dương là công tác xã hội hóa GD-ĐT của tỉnh đạt nhiều kết quả tốt, đặc biệt lĩnh vực giáo dục MN với 299 trường ngoài công lập (chiếm 71,19% số trường MN trên địa bàn), trong đó nhiều trường ở TP Thuận An, Dĩ An hoạt động có chất lượng tốt, quy mô lớn.
Cần tăng biên chế giáo viên
Để nâng cao chất lượng giáo dục, nhiều năm qua, tỉnh Bình Dương đã tập trung nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên các cấp và hiện đã hoàn thành xây dựng đề án củng cố, tăng cường, phát triển nguồn nhân lực và cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng giáo dục của ngành GD-ĐT giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, chuẩn bị trình Ban Cán sự Đảng tỉnh cho ý kiến thông qua để triển khai thực hiện.
Trước mắt, ngành GD-ĐT tiếp tục phối hợp tốt với các trường đại học có uy tín (như Đại học Sư phạm TPHCM) thường xuyên bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên; trong đó sẽ tập huấn cho tất cả giáo viên giảng dạy lớp 12 về cách thức ra đề thi hình thức trắc nghiệm, giúp học sinh tiếp cận nội dung và hình thức thi của Bộ GD-ĐT.
Một trong những khó khăn lớn của ngành GD-ĐT tỉnh Bình Dương chính là tình trạng thiếu giáo viên cục bộ, nhất là ở các bậc học MN, TH và THCS. Năm học 2020-2021, tỉnh đã tuyển dụng 652 giáo viên các cấp nhưng hiện vẫn còn thiếu hơn 2.300 giáo viên, trong đó nhiều nhất là cấp THCS với 1.112 giáo viên. Tỉnh phải xử lý bằng giải pháp tình thế là cho các đơn vị hợp đồng đối với những vị trí còn thiếu nhân sự, xem xét giải quyết cho những viên chức không trực tiếp giảng dạy nhưng đã được đào tạo sư phạm chuyển ra dạy lớp đúng chuyên môn, trên cơ sở đánh giá của đơn vị sử dụng và cơ quan quản lý trực tiếp; đồng thời tính đến các phương án về phân công giáo viên dạy thêm giờ, dạy thỉnh giảng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm, tỉnh đã coi đổi mới toàn diện GD-ĐT là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong lãnh đạo điều hành, từ đó Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 81 ngày 3-4-2014, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch 3641 ngày 22-10-2014 để thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản GD-ĐT.
Những năm gần đây, tỉnh đã có những đầu tư khá lớn để xây dựng trường lớp đạt chuẩn; đồng thời tạo điều kiện cho ngành giáo dục tuyển dụng viên chức, giáo viên; hỗ trợ về cơ chế, chính sách và động viên về vật chất lẫn tinh thần trong đợt dịch Covid-19 vừa qua để thầy cô toàn tâm toàn ý với sự nghiệp GD-ĐT. Trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh sẽ đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất và các điều kiện khác để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần đổi mới toàn diện GD-ĐT.
Để giải quyết căn cơ vấn đề thiếu giáo viên, tỉnh Bình Dương kiến nghị Bộ Nội vụ xem xét, giao thêm biên chế cho ngành GD-ĐT của tỉnh theo định mức, bảo đảm thực hiện chủ trương “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp” theo tinh thần Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 3-7-2020 của Chính phủ; đồng thời Sở GD-ĐT đề nghị không giảm 2% khi giao biên chế cho ngành trong năm học này để phát huy chất lượng giáo dục và đảm bảo thời gian học tập nâng cao trình độ, nghiên cứu sáng tạo của đội ngũ giáo viên. |