Bình Dương là một trong những địa phương đi đầu trong xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH) cho người có thu nhập thấp, với hàng ngàn căn hộ đã đưa vào sử dụng. Thế nhưng, hiện địa phương đang gặp nhiều vướng mắc khi mở rộng đầu tư loại hình này, cần giải pháp đột phá từ các bộ ngành trung ương để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư, phát triển NƠXH.
Thiếu trầm trọng
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến nay cả nước đã hoàn thành 307 dự án NƠXH khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 157.100 căn, với tổng diện tích gần 8 triệu m2 và hiện đang tiếp tục triển khai 418 dự án (bao gồm các dự án đang xây dựng và dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư), với quy mô xây dựng 432.400 căn, tổng diện tích khoảng 22,5 triệu m2. Riêng tỉnh Bình Dương trong khoảng 10 năm qua đã nổi lên như một điểm sáng trong xây dựng NƠXH, với nhiều mô hình hay, triển khai nhanh, đáp ứng được nhu cầu cấp bách về nhà ở cho công nhân, người lao động (NLĐ).
Cụ thể, từ năm 2010, tỉnh đã thực hiện Đề án xây dựng NƠXH, có hỗ trợ vốn vay cho người có thu nhập thấp, công nhân, NLĐ với giá chỉ từ 100-150 triệu đồng/căn, diện tích sử dụng khoảng 25-30m2/căn và dự kiến đến cuối năm nay 2023, sẽ đưa vào sử dụng thêm khoảng 20.000 căn NƠXH, với nhiều điểm mới về diện tích, thiết kế và các tiện ích chung.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, tỉnh Bình Dương có sự gia tăng dân số cơ học khá cao, kéo theo nhu cầu về chỗ ở, nhu cầu an sinh xã hội cũng tăng theo, số lượng NƠXH đưa vào sử dụng không đủ đáp ứng. Điển hình là năm 2016, dân số của tỉnh chỉ khoảng 2,1 triệu người, thì năm 2019 đã tăng lên đến 2,4 triệu người và nay đã có khoảng 2,6 triệu người; trong đó hơn 50% là cư dân đến từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, đa số là tạm trú. Do đó, trong giai đoạn 2011-2015, NƠXH mới đáp ứng được 24%, giai đoạn 2016-2020 là khoảng 65% nhu cầu, trong khi việc triển khai các dự án mới đang gặp nhiều khó khăn.
Cần tháo gỡ vướng mắc
Theo một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương, việc phát triển NƠXH đang có một số vướng mắc về quy hoạch, bố trí quỹ đất, lựa chọn chủ đầu tư, giá bán. Mặt khác, ngân sách trung ương chưa bố trí đủ nguồn vốn ưu đãi, nhiều địa phương chưa thật sự quan tâm, còn doanh nghiệp không mấy mặn mà khi xây dựng loại hình nhà ở này.
Ông Bùi Ngươn Phong, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lê Phong, chia sẻ, doanh nghiệp ngao ngán khi thực hiện hồ sơ xác nhận đối tượng và điều kiện được mua NƠXH của NLĐ đang làm việc ở các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp. Cụ thể, theo quy định, NLĐ phải thực hiện kê khai mẫu 03 trong hồ sơ mua NƠXH, yêu cầu doanh nghiệp phải xác nhận NLĐ thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ, đồng thời xác nhận trên cùng một văn bản đề nghị mà NLĐ đã kê khai.
Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nghiệp không đủ chức năng, thẩm quyền cũng như không thể biết được các nội dung xác nhận liên quan đến nhà ở của NLĐ. Do đó, rất nhiều công ty chỉ đồng ý xác nhận NLĐ đang làm việc tại doanh nghiệp và không đóng thuế thu nhập cá nhân thường xuyên tại doanh nghiệp đó bằng một văn bản riêng, tách rời mẫu 03.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Thiên Phát, cho rằng, các bộ ngành trung ương cần có chính sách cởi mở hơn, nhất là về thủ tục đầu tư dự án NƠXH, để tránh tình trạng mất quá nhiều thời gian (thực tế phải mất 1-3 năm mới xong một bộ hồ sơ), trong khi hầu hết doanh nghiệp phải vay ngân hàng để triển khai dự án, thời gian kéo dài kéo theo nhiều rủi ro thua lỗ.
Đáng chú ý, theo ông Lợi, do có ưu đãi của nhà nước nên NƠXH phải được phê duyệt giá bán, phê duyệt đối tượng mua, nhưng theo quy định hiện hành, doanh nghiệp chỉ được bán sau khi hoàn thành nghiệm thu phần móng, trong khi giá bán lại thẩm định khi chưa xây dựng xong, khiến doanh nghiệp đối mặt rủi ro khi có thay đổi giá vật liệu, nhân công... Liên quan vấn đề này, đại diện Tổng Công ty Becamex IDC đề xuất nên thành lập một cơ quan chuyên trách tầm quốc gia như quỹ phát triển NƠXH, ngân hàng chính sách nhà ở, áp dụng mức giá trần cho NƠXH.
Theo TS Phạm Trần Hải, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra mục tiêu cần đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và bền vững, trong đó, việc triển khai các dự án đường Vành đai 3, 4 TPHCM sẽ tác động tích cực đến không gian đô thị. Đáng chú ý là phát triển nhà ở nói chung dọc theo các tuyến này là cơ hội tăng quỹ đất cho NƠXH.