Xuất khẩu chạm mốc 34,5 tỷ USD
Theo UBND tỉnh Bình Dương, năm 2024, dù đối mặt với nhiều khó khăn, tỉnh Bình Dương vẫn đạt được những thành tựu kinh tế nổi bật. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,01%, GRDP bình quân đầu người đạt 182,6 triệu đồng (kế hoạch 185,5 triệu đồng); cơ cấu kinh tế: công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm với tỷ trọng tương ứng là 64,83% - 25,06% - 2,73% - 7,38%; kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm 2024 ước chạm mốc 34,5 tỷ USD, tăng 12,7% so với năm trước, vượt kế hoạch năm hơn 2,7% và chiếm hơn 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; kim ngạch nhập khẩu đạt 24,5 tỷ USD, tăng 12,2%.
Trong lĩnh vực xuất khẩu, nhóm các mặt hàng chủ lực như gỗ và các sản phẩm từ gỗ, hàng dệt may, giày dép, sắt thép, sản phẩm điện tử đóng góp hơn 19,3 tỷ USD, chiếm 56,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, riêng xuất khẩu gỗ đạt 6,5 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm 2023, trong khi hàng dệt may tăng 15,1%, đạt 3,2 tỷ USD.
Sở Công thương tỉnh Bình Dương đánh giá, tình hình xuất khẩu trong năm 2024 của tỉnh có nhiều điểm sáng nhờ vào sự phục hồi tích cực từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhiều chính sách thu hút đầu tư được vận dụng giúp hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng gia tăng, nhất là từ tháng 7-2024 đến nay, đạt bình quân hơn 3 tỷ USD/tháng.
Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội gỗ tỉnh Bình Dương, chia sẻ, dù đang đối mặt với nhiều thách thức, nhất là các yêu cầu về chuyển đổi xanh từ thị trường các nước, nhưng đến nay, các doanh nghiệp ngành gỗ trong tỉnh Bình Dương đã nhận được nhiều đơn hàng ổn định từ các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản. Từ chú trọng cải thiện chất lượng sản phẩm và tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp trong ngành vẫn liên tục tăng, đóng góp quan trọng vào bức tranh chung về kinh tế - xã hội của tỉnh.
Động lực từ thị trường mới
Để đạt được các kết quả trên, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã yêu cầu ngành chức năng chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp từng bước thay đổi cách thức tiếp thị, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu mới bên cạnh các thị trường truyền thống, tận dụng tối đa 17 FTA, trong đó có 7 hiệp định quan trọng với EU, để thúc đẩy xuất khẩu.
Trong khi các thị trường lớn, truyền thống như Mỹ, EU càng ngày càng siết chặt các quy định đối với mặt hàng xuất khẩu, trong đó thách thức lớn nhất là chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, thì việc khai phá thị trường mới đang trở thành động lực quan trọng giúp các doanh nghiệp trên địa bàn gia tăng đơn hàng. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp đã phát triển xuất nhập khẩu thông qua hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới và thực hiện hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu, thị trường Hồi giáo (Halal)... Cùng với đó là khai thác hiệu quả các FTA cũng như thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, qua đó giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu.
Theo lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Bình Dương, hiện trên địa bàn Bình Dương có gần 4.000 doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu thường xuyên với các mặt hàng chủ lực như gỗ và sản phẩm gỗ, dệt may và thiết bị điện tử đã khẳng định được chất lượng và được người tiêu dùng thị trường ở các thị trường truyền thống, nhất là Trung Quốc, Hoa Kỳ dễ dàng tiếp cận. Các doanh nghiệp cũng chinh phục khách hàng tại các thị trường khác, giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Và để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tỉnh Bình Dương đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ, nhất là các chính sách về thuế; tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tập trung vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; tăng cường hiệu quả cải cách thủ tục hành chính; tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.
Trong năm 2025, Bình Dương tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; đồng hành với các doanh nghiệp trong xây dựng nguồn nguyên liệu, ký kết các đơn hàng mới, đẩy mạnh sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.