Toàn tỉnh hiện có khoảng 454.857 học sinh (HS) các cấp, từ mầm non tới THPT, mỗi năm tăng thêm bình quân hơn 34.000 HS, tập trung chủ yếu ở các địa bàn như thị xã Thuận An, Dĩ An, TP Thủ Dầu Một, thị xã Tân Uyên. Với mức tăng sĩ số lớn như vậy, tỉnh Bình Dương cần thêm hơn 30 trường học (quy mô hơn 1.000 em/trường) xây mới mỗi năm có thể đáp ứng được nhu cầu của HS, không phân biệt thường trú và tạm trú.
Chỉ tính riêng HS khối mầm non hiện là 125.153 trẻ, hàng năm tăng thêm từ 9.000 - 12.000 trẻ, việc xây mới trường lớp và tuyển dụng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn là rất khó khăn.
Những năm qua, cơ sở vật chất trường học của tỉnh Bình Dương chỉ đáp ứng được khoảng 43,3% nhu cầu, trong đó năm học 2018 - 2019 mới chỉ hoàn thành và đưa vào sử dụng 13 công trình với 194 phòng học, đồng thời sửa chữa thay thế 9 trường học cũ, xuống cấp, nhưng tổng kinh phí đầu tư đã lên tới hơn 1.060 tỷ đồng, khiến tình trạng trường lớp “hụt hơi” ngày càng khó giải quyết.
Bình Dương đang có khoảng 1,2 triệu lao động làm việc tại 28 khu công nghiệp (KCN) và 20 cụm công nghiệp, nhưng trường lớp do các doanh nghiệp sản xuất trong KCN hoặc do chủ đầu tư hạ tầng KCN xây dựng phục vụ con em công nhân không đáng kể.
Tính đến nay, mới có khoảng 3.000 HS được học tại các cơ sở này, tập trung chủ yếu ở thị xã Thuận An và Bến Cát, hàng chục ngàn trẻ khác phải gửi học tại các lớp, nhóm trẻ nhỏ lẻ hoặc các trường dân lập, tư thục ngoài KCN với học phí cao.
Một trong những giải pháp trước mắt giải quyết tình trạng thiếu trường lớp của tỉnh Bình Dương là tăng số lượng HS trong mỗi lớp và số lớp trong mỗi trường học, giảm tối đa số HS học 2 buổi/ngày để tất cả các em trong độ tuổi đến trường đều được đi học.
Phần lớn các trường tiểu học, mầm non trên địa bàn tỉnh Bình Dương đều tăng số lượng HS từ 20 - 23 em/lớp so với quy định của Bộ GD - ĐT (chỉ 35 em/lớp); nhiều trường sử dụng cả phòng họp, phòng chức năng khác để dạy học như Trường TH Võ Trường Toản (thị xã Thuận An), có 93 lớp, gần gấp đôi so với thông thường nên phải chuyển tuyến sang các xã phường lân cận để đảm bảo chất lượng dạy học.
Để giải quyết tình trạng này, tỉnh Bình Dương đã chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, nhất là ở bậc học mầm non với tỷ lệ các cơ sở ngoài công lập đến năm 2020 chiếm khoảng hơn 64%. Đối với các KCN hình thành và phát triển sau này đều được yêu cầu dành khoảng 15% - 20% quỹ đất để xây dựng trường học, trong đó có bậc học mầm non.
Hiện Bình Dương đã giao đất, cho thuê đất khoảng 72.000m2 đối với 16 cá nhân, doanh nghiệp để xây dựng 16 trường mầm non tư thục, đáp ứng nhu cầu học tập của khoảng 6.000 trẻ tại các địa phương có nhiều KCN.
Riêng đối với việc xây dựng cơ sở giáo dục mầm non trong KCN đã được hình thành trước đây, UBND tỉnh giao Sở TN-MT phối hợp cùng các sở và địa phương liên quan, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo theo hướng thông thoáng về chính sách, phương thức, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư xây dựng nhà trẻ, trường mẫu giáo; trước mắt có thể ưu tiên giải quyết sử dụng quỹ đất xây dựng khối làm việc văn phòng của doanh nghiệp để xây trường.