Tham dự có ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam; đại diện lãnh đạo TP Dĩ An, Sở GT-VT Bình Dương và doanh nghiệp 2 nước Việt Nam, Trung Quốc.
Đoàn tàu bao gồm 21 toa, trong đó có 9 container lạnh chở hoa quả, thực phẩm, với thời gian di chuyển dự kiến từ 9 – 10 ngày, mỗi tuần 1 chuyến.
Theo kế hoạch khai thác, các doanh nghiệp sẽ tập kết hàng hóa từ Bình Dương và các địa phương lân cận về Ga Sóng Thần đi đến ga Yên Viên, Giáp Bát (Hà Nội) sau đó chuyển tiếp vào các đoàn tàu liên vận quốc tế đi Trung Quốc và quá cảnh tại các cửa khẩu Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) và cửa khẩu Lào Cai (tỉnh Lào Cai) để qua nước thứ 3 (Nga, Mông Cổ, các nước Trung Á và châu Âu).
Hoạt động vận chuyển liên vận quốc tế bằng đường sắt giữa Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian qua có sự chuyển biến tích cực với sản lượng vận tải liên tục tăng trưởng qua các năm gần đây và đã trở thành một lựa chọn hàng đầu cho các doanh nghiệp hai nước trong công tác giao thương.
Việc sớm khởi hành chuyến tàu liên vận quốc tế ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 là để triển khai kịp thời, hiệu quả Công điện số 13/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường kết nối logistics, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản.
Theo ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, hiện nay, Bộ GTVT đang tích cực bố trí nguồn kinh phí cho việc sửa chữa, nâng cấp hệ thống hạ tầng đường sắt quốc gia, trong đó đầu tư cả khu vực bãi, xếp dỡ, và các nhà ga, nhất là tăng thêm các nhà ga để tăng năng lực thông qua tại các khu gian, đồng thời đảm bảo an toàn tổ chức chạy tàu trên toàn tuyến.
Đây là một trong những giải pháp căn cơ để rút ngắn hành trình chạy tàu từ ga Sóng Thần đến ga Đồng Đăng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của loại hình vận tải này.