Theo ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, đây là năm thứ 13 liên tiếp, tỉnh này được đánh giá PCI và PAPI dựa trên các thông tin phản hồi từ cộng đồng doanh nghiệp (DN) dân doanh và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để đưa ra kết quả và hiện xếp thứ 14/63 tỉnh thành trên cả nước với tổng số 64,47 điểm. So với PCI 2016, tổng điểm PCI 2017 của Bình Dương tăng 0,9 điểm nhưng thứ bậc lại giảm 10 bậc. Cụ thể, có 6/10 chỉ số tăng điểm (gồm: Tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất; chi phí thời gian thực hiện các thủ tục hành chính; tính năng động, tiên phong của chính quyền; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; cạnh tranh bình đẳng) và 04 chỉ số giảm điểm so với năm 2016 (gồm: Chi phí gia nhập thị trường; tính minh bạch và tiếp cận thông tin; chi phí không chính thức; đào tạo lao động). Đặc biệt, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2017, Bình Dương đạt tổng điểm 33,49 điểm, được xếp trong nhóm thấp điểm nhất.
Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là nhận thức của người dân và chính quyền cơ sở về chính sách pháp luật chưa sâu rộng; chính sách đào tạo lao động có chuyên môn kỹ thuật chưa hiệu quả để cung cấp cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI…