UBND tỉnh Bình Dương ban hành văn bản số 3506/UBND-NC về tăng cường các biện pháp trong thực hiện giãn cách xã hội, giảm mật độ lưu thông của người và phương tiện giao thông.
Theo đó, tỉnh Bình Dương áp dụng khung giờ hạn chế tối đa việc lưu thông, hoạt động, cụ thể từ ngày 28-7, người dân trên địa bàn tỉnh Bình Dương được yêu cầu không ra đường trừ trường hợp cấp cứu, công vụ hoặc theo yêu cầu điều phối để phòng, chống dịch, từ 18 giờ đến 6 giờ hôm sau.
Các trường hợp được đi lại trong khung giờ trên, gồm: Cấp cứu; lực lượng làm công tác phòng, chống dịch hoặc các lực lượng hỗ trợ theo yêu cầu điều phối để phòng, chống dịch bệnh của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương; các cơ quan báo, đài thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn; lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đô thị; xử lý sự cố về điện, nước, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật; các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu; phương tiện đưa đón lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch; phương tiện đưa đón công nhân tại các doanh nghiệp đang thực hiện “1 cung đường - 2 điểm đến"; phương tiện vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu.
Theo kế hoạch, thời gian thực hiện ít nhất đến hết ngày giãn cách xã hội.
Sáng cùng ngày, tại hội nghị giữa lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Dương với đại diện các đoàn của bộ ngành, đơn vị và địa phương chi viện cho tỉnh, ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương cho biết sắp tới sẽ tổ chức tốt hơn công tác điều phối nhân sự, vật tư y tế cho tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19.
Theo Bác sĩ Vũ Việt Hà, Trường Đại học Y Hà Nội, nêu lên một số bất cập như: các bệnh viện dã chiến nhiều nơi không có thang máy vận chuyển bệnh nhân, thiếu máy móc theo dõi tình trạng bệnh, thiếu bác sĩ điều trị và nhân viên y tế trong lĩnh vực chống nhiễm khuẩn, được xem là nhân sự then chốt, sống còn của một khu điều trị dịch Covid-19.
Cũng theo Bác sĩ Hà, tại các bệnh viện dã chiến, địa phương nên chuẩn bị luôn khu cách ly, nghỉ ngơi tại chỗ của nhân viên y tế, vì khi tham gia làm việc tại bệnh viện dã chiến những thành viên này không dám trở lại khu được bố trí nghỉ ngơi, đồng thời cũng đề nghị các đơn vị điều phối có kế hoạch chuẩn bị trước cho một ngày làm việc để tránh lúng túng, lây nhiễm chéo và ưu tiên chi viện nhân sự có chuyên môn cao cho khu điều trị bệnh nhân nặng.
Theo ông Nguyễn Hoàng Thao, trong thời gian tới mỗi đoàn sẽ có một liên lạc viên làm cầu nối thông tin, xử lý các vấn đề phát sinh giữa các khu cách ly, bệnh viện dã chiến với trung tâm chỉ huy, đồng thời sẽ phân bổ nguồn lực chi viện theo nhu cầu thực tế và năng lực chuyên môn của từng bác sĩ.