Một trong những mục tiêu quan trọng của quy hoạch tỉnh là đưa Bình Dương vượt bẫy thu nhập trung bình, trở thành tỉnh có thu nhập cao vào năm 2030; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 10%/năm; thu nhập bình quân đầu người khoảng 15.800 USD và cơ cấu kinh tế: ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 64%, dịch vụ chiếm 28%, ngành nông lâm thủy sản chiếm 1%-2%; tỷ lệ đô thị hóa đạt 88%-90%.
Trong quá trình xây dựng quy hoạch, tỉnh Bình Dương kiên trì mục tiêu hướng tới năm 2050 trở thành vùng đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là công nghiệp, dịch vụ, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao; người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển, nền kinh tế phát triển bao trùm, hài hòa giữa các khu vực.
Đến nay, qua tiếp thu ý kiến góp ý quy hoạch, tỉnh Bình Dương đã dần hình thành với định hướng phát triển kinh tế - xã hội dựa trên 3 trụ cột tăng trưởng chính là công nghiệp - dịch vụ, đô thị thông minh, sinh thái và 1 trụ cột an sinh xã hội (phát triển nông nghiệp bền vững, hữu cơ) cùng 6 yếu tố hỗ trợ: nguồn vốn đa dạng, sử dụng hiệu quả; nguồn lực chất lượng cao; cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại; an sinh xã hội được đảm bảo; chính sách và thể chế đột phá; chuyển đổi số và ứng dụng khoa học - công nghệ. Để nâng cao chất lượng quy hoạch, ngành chức năng tỉnh cũng tổ chức nhiều hội thảo tìm giải pháp chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hướng tới phát triển ngành công nghiệp hiện đại và dịch vụ chất lượng cao dựa trên hạt nhân là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh.
Đặc biệt, Bình Dương chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, phấn đấu là một trong các địa phương đi đầu cả nước hoàn thành mục tiêu Net zero vào năm 2050. Các chuyên gia quy hoạch khuyến nghị, tỉnh cần ưu tiên phát triển trục kinh tế phía Bắc, đầu tư hệ thống giao thông tạo nền tảng và ưu tiên phát triển hành lang kinh tế, hành lang sinh thái ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai. Đặc biệt là phát triển hệ thống trung tâm, khai thác các lợi thế kết nối với TPHCM, mở rộng ra các trung tâm đô thị TP Thuận An, TP Dĩ An, TP Thủ Dầu Một, với trung tâm là TP mới Bình Dương, trở thành mũi nhọn trong thúc đẩy phát triển kinh tế, đẩy nhanh chuyển đổi mô hình phát triển.
Quá trình xây dựng quy hoạch, tỉnh Bình Dương bám sát tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh đến các yếu tố thúc đẩy liên kết vùng, nhất là liên kết với TPHCM, là hạt nhân phát triển của cả khu vực; liên kết vùng giữa Bình Dương với Bình Phước, các tỉnh Tây Nguyên và ĐBSCL.