Cùng với đó là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng xã hội phồn vinh, bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Hướng đến thành phố trực thuộc Trung ương
Quy hoạch đã vạch ra tầm nhìn để tỉnh Bình Dương hướng tới phát triển bền vững và hiện đại hóa, liên kết phát triển với các địa phương trong vùng Đông Nam bộ. Đến năm 2030, sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á; là trung tâm hàng đầu về kinh tế, tài chính, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Bình Dương đặt ra nhiều nhiệm vụ quan trọng. Về kinh tế, tỉnh đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 10%/năm, với GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 15.800 USD. Về dân số, dự kiến đến năm 2030, Bình Dương sẽ đạt 4,04 triệu người. Về cơ cấu kinh tế, đến năm 2030, ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 64%, ngành dịch vụ chiếm 28%, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6%. Về hạ tầng, tỉnh sẽ hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối nội vùng và liên vùng, trở thành đầu mối giao thương, hội nhập khu vực và thế giới. Về xã hội, Bình Dương đặt mục tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 87%, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trên 80% và tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm đạt trên 95% vào năm 2030.
Về phát triển đô thị, tỉnh sẽ hình thành các khu đô thị công nghiệp dịch vụ hiện đại, chuyển đổi các khu vực phía Nam như TP Dĩ An, TP Thuận An thành các trung tâm dịch vụ cấp vùng về thương mại và dịch vụ logistics, với định hướng phát triển bền vững về môi trường theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái.
Những mục tiêu trên thể hiện quyết tâm của Bình Dương trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng xã hội phồn vinh, văn minh hiện đại, đồng thời đảm bảo quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Ưu tiên xây dựng hạ tầng
Theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh xác định phải đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển thông minh, dựa trên phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, phát huy tối đa nguồn lực phát triển, kết hợp hài hòa giữa ngoại lực và nội lực, lấy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, văn hóa sáng tạo làm trọng tâm động lực phát triển. Tỉnh ưu tiên phát triển các ngành công nghệ cao, các ngành dịch vụ chất lượng cao ngang tầm khu vực và thế giới, có vị thế vững chắc trong chuỗi giá trị toàn cầu; đổi mới tư duy phát triển, hình thành các trung tâm động lực, không gian phát triển, tạo động lực tăng trưởng mới.
Trong đó, tỉnh ưu tiên nguồn lực phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, công nghiệp, dịch vụ đồng bộ, hiện đại, thông minh để mở rộng không gian phát triển, phát triển hài hòa giữa khu vực đô thị và nông thôn; khai thác và sử dụng hiệu quả không gian trên cao, không gian ngầm, không gian sinh thái, không gian số, không gian văn hóa; hình thành các hành lang, vành đai kinh tế, công nghiệp, đô thị, dịch vụ gắn với các hành lang giao thông kết nối liên vùng.
Trong những năm qua, tỉnh luôn ưu tiên chú trọng đầu tư hạ tầng, đặc biệt hạ tầng giao thông với phương châm “giao thông đi trước một bước”, vừa nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, vừa tạo điều kiện bứt phá nhanh trong quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; góp phần cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt là thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Theo ông Trần Hùng Việt, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh, trong năm 2024, Bình Dương đã ưu tiên bố trí vốn các công trình trọng điểm, dự án cấp thiết, có tính kết nối, lan tỏa, tạo động lực phát triển, cần đẩy nhanh tiến độ như đường Vành đai 3, 4 TPHCM, cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Một số tuyến giao thông nội tỉnh cũng đang thực hiện các thủ tục đầu tư để khởi công như dự án đường ven sông Sài Gòn, nút giao Sóng Thần, mở rộng đường An Bình và kết nối cầu vượt Sóng Thần, xây dựng hầm chui tại nút giao ngã năm Phước Kiến, cảng An Tây, cảng An Sơn… có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy kết nối vùng, góp phần xây dựng diện mạo tỉnh Bình Dương đến năm 2030 như mục tiêu Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định.