Gần 2.300 tỷ đồng xây dựng cảng sông An Tây
Cảng sông An Tây được xây dựng tại xã An Tây, thị xã Bến Cát, công suất thiết kế lên tới 7 triệu tấn/năm, có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 3.000 tấn, tổng diện tích khoảng 30ha (trong đó diện tích mặt nước làm khu bến để neo đậu tàu dự kiến 3,54ha).
Dự án gồm 2 giai đoạn. Trong giai đoạn 1, tỉnh tiến hành đầu tư xây dựng các công trình giao thông, công trình kiến trúc, mua sắm lắp đặt thiết bị đảm bảo đủ điều kiện nghiệm thu, đưa vào vận hành khai thác với 2 cầu cảng từ năm 2023.
Giai đoạn 2 (2023-2025), đầu tư xây dựng các công trình còn lại, thực hiện mua sắm lắp đặt thiết bị đảm bảo hoàn thành việc nghiệm thu, đưa vào vận hành khai thác từ năm 2025 với công suất đạt 100%. Tổng vốn đầu tư của dự án được đề xuất gần 2.300 tỷ đồng.
Ông Bùi Minh Thạnh, Bí thư Thị ủy Bến Cát (mặc áo phao), khảo sát sông Sài Gòn đoạn qua địa bàn, ngay sau khi tỉnh có kế hoạch đầu tư cảng sông An Tây |
Cảng sông An Tây sẽ thu hút vận tải hàng hóa từ các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và khu vực Tây Nguyên, vừa thúc đẩy sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế, vừa nâng cao tỷ trọng thương mại, dịch vụ và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Bên cạnh đó, việc xây dựng cảng này cũng góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang dịch vụ, thương mại, nâng cao thu nhập cho người dân.
Cùng với các cảng sông khác trong khu vực phía Nam, cảng sông An Tây sẽ góp phần đồng bộ mạng lưới giao thông thủy, đặc biệt là tạo hành lang kết nối với hầu hết các khu công nghiệp trên địa bàn, hạn chế tình trạng kẹt xe tại khu vực kết nối với TPHCM, giảm tải cho 2 cảng hàng hóa lớn trong khu vực là Cát Lái (TPHCM) và Cái Mép (Bà Rịa-Vũng Tàu).
Kết nối logistics toàn vùng
Thị xã Bến Cát có vai trò quan trọng trong kết nối giao thông vùng, nhất là tuyến ĐT 744 đi Tây Ninh và là tuyến đường huyết mạch kết nối Tây Ninh với TP Thủ Dầu Một, sẽ tạo thành mạng lưới giao thông đồng bộ, từ cảng tới các tuyến vận tải trên bộ và trên sông, không chỉ kết nối với các cảng ở khu vực TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, mà còn liên thông với trung tâm logistics, cảng cạn IDC và cảng tổng hợp Tây Ninh trên địa bàn xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng.
Ngoài cảng sông An Tây, tỉnh Bình Dương còn quy hoạch nhiều vị trí cảng khác trong giai đoạn đến năm 2030 như An Sơn (sông Sài Gòn, công suất 2,5 triệu tấn/năm), Rạch Bắp (cũng tại An Tây, Bến Cát, công suất 2-3 triệu tấn/năm), Phú Cường Thịnh (huyện Dầu Tiếng, 1,5 triệu tấn/năm).
Hệ thống giao thông trên địa bàn thị xã Bến Cát khá đồng bộ, kết nối với hệ thống cảng An Tây trong tương lai |
Ông Bùi Minh Thạnh, Bí thư Thị ủy Bến Cát, cho rằng, cảng sông An Tây là dự án hạ tầng lớn của tỉnh, khi đưa vào hoạt động sẽ tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội thị xã và của tỉnh, phát triển đồng bộ ngành vận tải và logistics đường sông, kết nối toàn vùng với mạng lưới giao thông thủy ở khu vực Đông Nam bộ và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Việc hình thành cảng sông lớn gắn với các tuyến huyết mạch là quốc lộ 13 và đường Mỹ Phước-Tân Vạn đi qua địa bàn chắc chắn làm thay đổi bộ mặt của thị xã Bến Cát, nhất là trong thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, việc đầu tư cảng sông An Tây sẽ tạo ra khu dịch vụ logistics khép kín nhằm sử dụng hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông đa phương thức, giảm chi phí logistics, thúc đẩy sản xuất công nghiệp tại địa phương cũng như vùng Đông Nam bộ; thu hút một lượng lớn lao động, góp phần giải quyết việc làm cho người dân, chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang dịch vụ, nâng cao chất lượng lao động. Đồng thời, cảng sông An Tây khi đi vào hoạt động sẽ mang lại sự phát triển kinh tế - xã hội cho thị xã Bến Cát, giúp tăng nguồn thu ngân sách, các khoản thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản lệ phí khác của dự án, đặc biệt là phí hải quan nhập khẩu.