Sau khi kiểm tra, ngày 5-2-2018, Sở TN-MT tỉnh Bình Định có văn bản số 209/STNMT-TTRA báo cáo kết quả lên UBND tỉnh Bình Định.
Văn bản báo cáo theo trình tự: Ngày 4-6-2007, UBND tỉnh Bình Định có văn bản gửi Bộ GT-VT và Cục Hàng hải Việt Nam xin chủ trương đầu tư cảng container 30.000 DWT và mở rộng luồng tàu vào Cảng Quy Nhơn.
Ngày 18-12-2007, Bộ GT-VT có văn bản chấp thuận bổ sung 1 cầu cảng container 30.000 DWT vào quy hoạch cảng biển Quy Nhơn.
Ngày 27-10-2008, Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản thỏa thuận vị trí tuyến mép bến cảng container 30.000 DWT – Cảng Quy Nhơn. Công ty CP Tân cảng Quy Nhơn đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu cảng 30.000DWT do Công ty làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt tại QĐ số 534/QĐ-CTUBND (ngày 9-3-2009), và sau đó được UBND tỉnh Bình Định cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Tiếp đó, ngày 14-9-2009, UBND tỉnh Bình Định tiếp tục ra quyết định cho Công ty CP Tân cảng Quy Nhơn thuê 121.560m² đất để xây dựng cảng container 30.000 DWT, thời hạn 50 năm; trong đó có 12.761,5m² đất và 108.798,5m² mặt nước.
Đối với 108.798,5m² mặt nước được thuê, giai đoạn 1 Công ty đã xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng các hạng mục, gồm: Cầu tàu, kè sau cầu, xây dựng 1 phần đường kết nối phục vụ khai thác, san lấp tạo bãi rộng 4ha.
“Giai đoạn 2 (2014 – 2018), đối với diện tích 7ha mặt nước Công ty chưa thực hiện, hiện được tàu thuyền ngư dân neo đậu.”-văn bản nêu.
Theo văn bản của Sở TN-MT, trong quá trình sửa chữa bãi container của Cảng Quy Nhơn, đá, xà bần thải ra đã được Công ty CP Tân cảng Quy Nhơn tận dụng đổ san lấp 150m² trên phần diện tích 7ha mặt nước chưa thực hiện. Khoảng cách từ vị trí đổ đá, xà bần tính tới mép ngoài luồng tàu khoảng hơn 200m, do đó chưa ảnh hưởng đến dòng chảy, chưa gây mắc cạn tàu thuyền qua lại.
Tuy nhiên, theo nhận định của Sở TN-MT Bình Định, nếu Công ty CP Tân cảng Quy Nhơn tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 thì chiều rộng của luồng tàu chỉ còn 100m, không đảm bảo cho tàu thuyền ra vào.
Đến ngày 9-3-2018, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản số 1071/UBND-KT chính thức có chỉ đạo cụ thể về việc sử dụng đất của Công ty CP Tân Cảng Quy Nhơn; văn bản do Phó chủ tịch UBND tỉnh Phan Cao Thắng ký thay Chủ tịch.
Theo đó, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Công ty CP Tân Cảng Quy Nhơn tạm dừng việc đổ đá, xà bần trên diện tích 0,7 ha đất mặt nước chưa sử dụng (trong tổng diện tích đã được UBND tỉnh cho công ty này thuê tại Quyết định số 666/QĐ-UBND, ngày 14-9-2009); giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND thành phố Quy Nhơn rà soát lại quy hoạch mặt bằng sử dụng đất của Công ty CP Tân Cảng Quy Nhơn cho phù hợp với thực tế, báo cáo đề xuất UBND tỉnh trong tháng 4-2018.
Trước đó, làm việc PV Báo SGGP, ông Đặng Trung Thành, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bình Định cho biết, trước đó UBND tỉnh đã giao đất cho Công ty CP Tân Cảng miền Trung thì Sở TN-MT cũng đã đánh giá tác động môi trường và cắm mốc.
Tuy nhiên, ông Thành cũng thừa nhận, từ khi giao dự án cho Tân cảng Quy Nhơn, sở chưa thành lập tổ hậu kiểm để kiểm tra, giám sát nên đã để doanh nghiệp đổ đất đá, xà bần… như hiện nay.
Theo ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc BQL cảng cá Bình Định, Nếu Công ty CP Tân cảng Quy Nhơn tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 thì chiều rộng của luồng tàu chỉ còn 100m, mà theo quy định đã là “luồng” thì chỉ để tàu thuyền đi lại chứ không được neo đậu, mà không được neo đậu thì tàu cá làm sao cập cảng bán sản phẩm?
Điều đáng nói là Bình Định là tỉnh dẫn đầu về số lượng tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP.
“Thêm nữa, tàu vỏ thép đều có chiều dài ít nhất là 30m, theo nguyên lý, khi tàu dài 30m quay trở thì sẽ chiếm diện tích mặt nước gấp 2,5 lần chiều dài con tàu, vị chi là 75m, vậy còn đâu chỗ cho tàu khác ra vào?”, ông Thiện lo ngại.
Cũng theo ông Thiện, đáng ngại hơn, vào mùa mưa bão, lượng tàu vào neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn lớn, gây “quá tải” ở cảng cá. Trong khi đó, ở Bình Định chỉ có mỗi cảng cá Quy Nhơn là đủ độ sâu để có thể tiếp nhận tàu cá vỏ thép và đội tàu gỗ đánh bắt xa bờ công suất lớn của ngư dân.