Bình Định xây “lò” đào tạo nhân tài ngành bán dẫn cho Việt Nam

Ngày 18-8, UBND tỉnh Bình Định phối hợp với các đơn vị, tập đoàn công nghệ tổ chức hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến về “Chiến lược phát triển ngành trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn và an ninh mạng tại tỉnh Bình Định” thu hút hàng ngàn người tham dự.

Bình Định xây “lò” đào tạo nhân tài ngành bán dẫn cho Việt Nam

FPT cam kết đưa chuyên gia giúp Bình Định

Tại hội nghị, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho biết, xu hướng phát triển xã hội hiện đại đang dần hướng đến làm chủ công nghệ, AI, bán dẫn và an ninh mạng. Tuy nhiên, việc phát triển các lĩnh vực trên là bài toán vô vàn khó khăn, trắc trở.

32.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định phát biểu tại sự kiện

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, tỉnh đã xác định phát triển AI, công nghệ bán dẫn, công nghệ chế biến, chế tạo là nhiệm vụ đột phá quan trọng của tỉnh. Để làm được cần phải có sự tham gia của các tập đoàn công nghệ lớn giúp sức và phải xây dựng được hệ sinh thái công nghệ; có tầm nhìn chiến lược dài hạn và phải có sự đầu tư nghiêm túc vào hạ tầng công nghệ, tạo môi trường tốt cho nhà đầu tư.

Tại hội nghị, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT dành hơn 1 giờ để trình bày, truyền cảm hứng đến hàng ngàn người trẻ, cán bộ, lãnh đạo tại tỉnh Bình Định về chip bán dẫn, AI. Ông cho biết, hiện thế giới đang thiếu hơn 1 triệu lao động ngành bán dẫn, đây là thời cơ của Việt Nam.

Theo Chủ tịch FPT, chip bán dẫn là ngành đặc thù đòi hỏi phải có đức tính ham học, cần cù và chi tiết. Những đức tính này thì người trẻ Việt Nam rất có lợi thế. Nhiều nước có ngành bán dẫn phát triển họ thừa nhận và muốn gửi nhân lực qua Việt Nam để học tập, kế thừa đức tính này.

1.jpg
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT phát biểu, đưa ra cam kết tại hội nghị

Vừa qua tại Nhật Bản, FPT đã đề cập với các đối tác chip bán dẫn, AI về việc chuyển giao, liên kết chương trình đào tạo nhân lực 2 nước để đôi bên có thể kế thừa những “văn hóa bán dẫn” của nhau cũng như nguồn nhân lực. Tuy nhiên, đây chỉ mới là đề xuất từ tập đoàn công nghệ, kết quả cần ở tầm quốc gia mới quyết định được.

Đề cập đến chương trình phát triển 50.000 kỹ sư bán dẫn của Chính phủ Việt Nam, Chủ tịch FPT cho rằng, muốn làm được điều này cần phải có tính kỹ cương, phân công nhiệm vụ rõ ràng. Các trường đào tạo, doanh nghiệp, tập đoàn cần đứng ra nhận nhiệm vụ, chung tay hiện thực quyết tâm này. FPT cam kết sẽ nhận đào tạo 10.000 kỹ sư bán dẫn.

1H7A0606.JPG
Tỉnh Bình Định khởi công Trung tâm Trí tuệ nhân tạo – Đô thị phụ trợ tại
Quy Nhơn. Ảnh: XH

Ông Bình cũng cho biết, Bình Định là tỉnh đang thể hiện quyết tâm chính trị rất cao để phát triển AI, bán dẫn và dành rất nhiều đất đai để phục vụ sự nghiệp phát triển khoa học trong tương lai. Nơi đây hàng năm đã tổ chức rất nhiều hội nghị, hội thảo học thuật các ngành khoa học thu hút ngàn ngàn nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu thế giới đến. Đặc biệt, đây cũng là nơi đón hàng chục giáo sư đoạt giải Nobel, tương đương giải Nobel…

Vị này cho rằng, Bình Định muốn hiện thực những quyết tâm trên thì cần xây dựng cách làm việc kỹ cương, chuyên nghiệp. Trung ương cũng cần cho tỉnh cơ chế, tạo khung chuyên nghiệp để thực hiện. Trong hệ thống giáo dục, các học sinh tỉnh từ lớp 1 đến các cấp cần phải được đào tạo về trí tuệ nhân tạo. FPT cam kết sẽ hỗ trợ, chuyển giao về đào tạo và công nghệ nếu Bình Định triển khai.

z5613945354651_9e276d38cfed68b65bbcbc5bd28a4c7a.jpg
Hàng năm ở thung lũng Quy Hòa (TP Quy Nhơn, Bình Định) thu hút hàng ngàn nhà khoa học trên thế giới đến

“Chúng tôi sẽ đưa các chuyên gia của FPT về tập trung đào tạo nhân lực cho Bình Định. Trong đó, chúng tôi muốn xây dựng những hệ thống “phòng thủ số” bắt đầu từ Bình Định. Làm sao để mang hào khí đất võ trời văn vào trong công nghệ”, ông Bình nói.

Tất cả học sinh, sinh viên đều sẽ học trí tuệ nhân tạo

Ghi nhận những ý kiến của lãnh đạo Tập đoàn FPT, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, nhiệm vụ đột phá quan trọng của tỉnh là phát triển AI, bán dẫn, an ninh mạng và công nghệ chế biến, chế tạo. Hiện, tỉnh đã khởi động các chương trình để cố gắng ứng dụng đào tạo AI vào các trường học từ mầm non đến phổ thông, đại học. Trong đó, chương trình giáo dục STEM được tỉnh ưu tiên triển khai. Tuy nhiên, muốn đưa AI vào đào tạo tất cả các học sinh từ mẫu giáo trở lên thì cần cả hệ thống chính trị vào cuộc và phải có hỗ trợ của tập đoàn công nghệ.

2.JPG
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn phát biểu kết luận

Ông Tuấn cho biết, dịp này FPT đã khởi công dự án Trung tâm Trí tuệ nhân tạo – Đô thị phụ trợ có vốn đầu tư 4.362 tỷ đồng ở TP Quy Nhơn. Dự án nhằm thúc đẩy sáng tạo, đầu tư, nghiên cứu phát triển AI và hình thành đô thị phụ trợ với tính chất đô thị AI nhằm thu hút, giữ chân nhân tài công nghệ. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng ký kết thêm với FPT 1 biên bản ghi nhớ hợp tác về triển khai đề án phát triển về trí tuệ nhân tạo, bán dẫn và an ninh mạng, tập trung đào tạo nhân lực công nghệ cao tại tỉnh Bình Định để phục vụ cho quốc gia và cả thế giới.

2.jpg
Các bên ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển AI, bán dẫn và an ninh mạng

Chủ tịch UBND tỉnh này kỳ vọng ban lãnh đạo FPT cần thể hiện quyết tâm cao “nói thật, làm thật” để giúp tỉnh hiện thực được khát vọng phát triển AI, bán dẫn và an ninh mạng. “Đây là việc làm rất khó, nhưng cái khó tạo ra sự khác biệt, giúp Bình Định đột phá đi thẳng vào công nghệ hiện đại, theo kịp với các khu vực phát triển công nghệ trên thế giới”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông Phạm Anh Tuấn đề nghị sau hội nghị cần thành lập ngay ban chỉ đạo để triển khai các nhiệm vụ, ký kết giữa UBND tỉnh này với FPT. Bình Định đề nghị Bộ TTTT giúp đỡ bố trí nhân lực, tổ công tác để đồng hành và theo dõi quá trình triển khai các đề án, chương trình đào tạo…

Đưa Việt Nam dẫn đầu trong ngành bán dẫn

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TTTT Bùi Hoàng Phương nhấn mạnh, nhân lực là lõi để phát triển ngành bán dẫn, AI và an ninh mạng ở Việt Nam. Hiện Việt Nam đã có các hành lang, pháp lý và chương trình để đẩy nhanh phát triển đồng bộ 3 lĩnh vực này.

DSC07279.JPG
Thứ trưởng Bộ TTTT Bùi Hoàng Phương

Trong chiến lược bán dẫn, yếu tố cốt lõi gồm: bán dẫn chuyên dùng, công nghiệp điện tử, nhân tài và tận dụng lợi thế Việt Nam là điểm đến an toàn của công nghệ bán dẫn toàn cầu…

Trong đó, chiến lược bán dẫn Việt Nam hướng đến mục tiêu, giai đoạn 2024 – 2030 trở thành trung tâm về nhân lực bán dẫn toàn cầu, tạo ra trên 50.000 kỹ sư, doanh thu đạt 25 tỷ USD, hình thành 100 doanh nghiệp thiết kế, 1 doanh nghiệp chế tạo chíp bán dẫn quy mô nhỏ, công nghệ cao và 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn. Giai đoạn từ 2030 đến 2050 sẽ trở thành quốc gia thuộc nhóm các nước đi đầu về công nghệ bán dẫn.

Tin cùng chuyên mục