Thống nhất không dùng từ “dôi dư”
Tại kỳ họp thứ 6 diễn ra vào ngày 12-6, HĐND tỉnh Bình Định cũng xem xét, thảo luận kỹ lưỡng các tờ trình của UBND tỉnh này về phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung nhiều công trình, dự án lớn như: phê duyệt chủ trương đầu tư dự án mở rộng nút giao đường ven biển Cát Tiến - Diêm Vân và đường trục Khu kinh tế; điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư các dự án: đường ven biển (ĐT 639), đoạn Cát Tiến - Đề Gi; tuyến đường kết nối từ Trung tâm TX An Nhơn đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại...
Tại kỳ họp, nhiều đại biểu, đại diện các ban của HĐND tỉnh Bình Định đã tập trung thảo luận, nêu ý kiến để làm rõ một số vấn đề các nghị quyết cần thông qua. Một số ý kiến thảo luận việc điều chỉnh, bổ sung các công trình, dự án lớn tỉnh, trong đó điều chỉnh tăng vốn, kéo giãn tiến độ.
Ý kiến Ban Văn hóa – Xã hội của HĐND tỉnh đề nghị, trong thực hiện các dự án lớn, chủ đầu tư cần lựa chọn nhà thầu, tư vấn, giám sát đảm bảo năng lực để tránh ảnh hưởng dự án khi thực hiện…
Tại kỳ họp, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định, cơ bản thống nhất các ý kiến, thảo luận các đại biểu. Theo ông Hồ Quốc Dũng, khi Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 sẽ có 81 trường hợp, trong đó có 67 cán bộ công chức và 14 cán bộ không chuyên trách không được sắp xếp lại vị trí việc làm.
Qua đây, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định cũng đề nghị các đại biểu thống nhất không sử dụng từ “dôi dư” khi đề cập đến các cán bộ, con người trong diện không được sắp xếp vị trí công việc mới do sáp nhập đơn vị hành chính.
“Không nên gọi “dôi dư”, bởi gọi thế cán bộ họ sẽ buồn và trăn trở. Nhiều người trong đó, họ từng cống hiến cả đời, có khi cả bí thư, chủ tịch phường nhưng vì sắp xếp lại đơn vị hành chính nên phải nghỉ việc, chứ không phải không làm được việc. Qua đây, tôi đề nghị chúng ta thống nhất không dùng từ “dôi dư”, ông Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.
Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định nêu quan điểm, trong sắp xếp đơn vị hành chính, cán bộ cố gắng sắp xếp tối đa cho 67 cán bộ công chức. “Những cán bộ đang trong biên chế, quan điểm tỉnh cố gắng bằng mọi cách điều động, bố trí sắp xếp công việc cho số này”, ông Hồ Quốc Dũng nêu.
Ngoài ra, ông Hồ Quốc Dũng cũng thống nhất cao bố trí chế độ, chính sách cho tổ bảo vệ ANTT thôn, khu phố. Ông cho rằng, vai trò thành viên tổ bảo vệ ANTT rất quan trọng phải làm việc, giám sát 24/24 giờ để bảo vệ bình yên cho người dân và đối diện với rất nhiều nguy hiểm nên cần rà soát, giải quyết kỹ lưỡng.
Giải quyết chế độ cho cán bộ nghỉ việc
Sau khi thảo luận kỹ lưỡng, kỳ họp thứ 6 đã biểu quyết thông qua 3 Nghị quyết quan trọng. Trong đó, Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 – 2025, sáp nhập 6 xã, phường TP Quy Nhơn và thị xã Hoài Nhơn.
Cụ thể, ở TP Quy Nhơn các phường Lê Hồng Phong, Lý Thường Kiệt, Trần Phú được sáp nhập thành phường Trần Phú, diện tích 2,32km², dân số 37.997 người và có 17 khu phố.
Sáp nhập diện tích, dân số các phường Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Thị Nại thành phường Thị Nại có diện tích 2,94km², 35.417 người với 22 khu phố. Sau sắp xếp, TP Quy Nhơn còn 17 đơn vị hành chính, 17 phường, 5 xã.
Tại thị xã Hoài Nhơn, sáp nhập diện tích tự nhiên, dân số xã Hoài Hải vào phường Hoài Hương. Sau khi sáp nhập, phường Hoài Hương sẽ có diện tích 15,44km², 28.613 người…
Kỳ họp thông qua Nghị quyết quy định về chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã phải nghỉ công tác sau sáp nhập, ngoài hỗ trợ theo quy định Chính phủ, HĐND tỉnh Bình Định ban hành chính sách hỗ trợ 1 lần (sử dụng ngân sách tỉnh).
Cụ thể, đối với cán bộ, công chức được hỗ trợ 12 tháng tiền lương, thưởng, không bao gồm phụ trách kiêm nhiệm; mức hỗ trợ không thấp hơn 80 triệu đồng.
Đối với cán bộ, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, sẽ được hỗ trợ 12 tháng phụ cấp thưởng, mức tối thiểu không thấp hơn 50 triệu đồng.
Ngoài ra, kỳ họp thông qua Nghị quyết về quy định, tiêu chí thành lập tổ bảo vệ ANTT và tiêu chí số lượng, thành viên và chế độ chính sách đối với lực lượng tham gia tổ này…