Trong vụ việc có 2 đơn vị gồm Phòng Nội vụ và Phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Thạnh phải tổ chức kiểm điểm tập thể. Kết quả, có 18/18 cá nhân bị kiểm điểm với hình thức rút kinh nghiệm. Trong đó có 16 cá nhân là hiệu trưởng và phó hiệu trưởng của các trường học bị kiểm điểm do trực tiếp ký kết hợp đồng lao động giáo viên không đúng quy định.
Giáo viên ở huyện Vĩnh Thạnh tham dự hội nghị (Ảnh minh họa) |
Ngoài ra, 2 cá nhân thuộc Phòng Nội vụ và Phòng GD-ĐT huyện này cũng chịu hình thức kiểm điểm, gồm: ông Nguyễn Quốc Trường (Trưởng Phòng nội vụ huyện) và ông Bùi Xuân Ngọc (Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện) do thiếu kiểm tra, hướng dẫn để xảy ra tuyển dụng giáo viên sai quy định và không kịp thời tham mưu tổ chức tuyển dụng giáo viên.
Trước đó, cử tri và ngành chức năng tại huyện Vĩnh Thạnh phản ánh việc 100 giáo viên trên địa bàn huyện này do không có biên chế nên chỉ được ký hợp đồng lao động thời vụ 29 ngày rất bất cập, nhiều giáo viên kéo dài hợp đồng như vậy đã 2 – 3 năm trời…
Qua đó, UBND tỉnh này giao Sở Nội vụ vào cuộc kiểm tra và phát hiện việc ký hợp đồng trên diễn ra từ năm 2021 – 2023. Trong giai đoạn 2022 – 2023, các trường ký hợp đồng với 57 giáo viên (25 giáo viên mẫu giáo; 29 giáo viên tiểu học; 3 giáo viên THCS).
Hình thức hợp đồng thời vụ thời hạn 29 ngày để không phát sinh thêm kinh phí đóng bảo hiểm bắt buộc với mức tiền công trên 4,6 triệu đồng/người/tháng (bao gồm cả BHXH, BHYT, BHTN, kinh phí công đoàn)… Việc ký hợp đồng này do các hiệu trưởng tự thỏa thuận, nhưng Phòng GD-ĐT huyện và nhà trường đều không hề báo cáo với UBND huyện.
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Bùi Tấn Thành, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết, sau vụ việc, địa phương đã chỉ đạo các bên tập trung chấn chỉnh, khắc phục toàn bộ vụ việc để đảm bảo công tác tuyển dụng giáo viên trong thời gian tới được thực hiện công khai, đúng quy định.