Phát biểu tại buổi lễ, Đại tá Nguyễn Xuân Sơn, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Bình Định cho biết, ngày 3-12-2018, đơn vị nhận được văn bản của Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị) và các tài liệu kèm theo thông tin về phần mộ liệt sĩ tập thể thuộc Trung đoàn 22, Sư đoàn 3 Sao Vàng hy sinh trong trận tập kích cứ điểm Xuân Sơn (xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân).
Ngay khi nhận được thông tin, Bộ CHQS tỉnh Bình Định đã tổ chức khảo sát, tìm kiếm nhiều lần trong nhiều năm nhưng do địa hình rộng lớn, địa vật thay đổi và do tác động của nước lũ nên chưa phát hiện được dấu vết phần mộ các liệt sĩ.
Tháng 1-2022, cựu chiến binh Đặng Hà Thụy (77 tuổi, nguyên cán bộ Đoàn 5502, hiện đang sống ở phường Hoài Thanh Tây, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) đã cung cấp thêm một số thông tin về tọa độ, vị trí của phần mộ chôn tập thể các liệt sĩ của Trung đoàn 22. Từ thông tin của cựu chiến binh Đặng Hà Thụy, lực lượng chức năng đã tổ chức khảo sát, tìm kiếm và phát hiện được hố chôn tập thể các liệt sĩ tại khu vực đồi Gò Mít (xã Ân Nghĩa).
Căn cứ vào các di vật tìm thấy cùng lời kể, tài liệu của các nhân chứng, xác định đây chính là phần di vật, hài cốt của các liệt sĩ hy sinh trong trận tập kích cứ điểm đồi Xuân Sơn (cuối tháng 12-1966).
Hiện, các lực lượng chức năng đã xác định được danh tính của 60 liệt sĩ hy sinh trong trận tập kích trên, trong đó có 51 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 22, Sư đoàn 3 Sao vàng; còn lại là quân, dân địa phương.
Tại buổi lễ, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã xúc động ghi vào sổ tang để tưởng niệm, thành kính tri ân công lao và sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, đồng bào tại đồi Xuân Sơn.
Tại đồi Xuân Sơn, quân Mỹ bố trí 2 đại đội pháo binh và 2 đại đội bộ binh, quân số 650 người được sự yểm trợ trực tiếp của 2 căn cứ pháo binh Tân Thạnh và Kim Sơn, vì vậy các chỉ huy Mỹ cho rằng Xuân Sơn sẽ “miễn dịch” với bất kỳ cuộc tấn công nào của đối phương.
Đêm 25 rạng sáng 26-12-1966, Trung đoàn 22 cùng quân, dân tỉnh Bình Định đã tổ chức tập kích cứ điểm Xuân Sơn. Qua đó, quân ta tiêu diệt, làm bị thương 600 lính Mỹ, phá hủy 11 khẩu pháo, bắn rơi 5 máy bay, thu 34 súng các loại...
Theo cựu chiến binh Đặng Hà Thụy, năm 2018, tình cờ thông qua Facebook ông làm quen với kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng (ở TPHCM) nên kết nối, quen biết với một số cựu binh ở Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam. Cựu chiến binh Đặng Hà Thụy tham dự buổi lễ Duy trì liên lạc qua Email, Facebook với các cựu binh Mỹ, ông Thụy đã mở rộng có được nhiều thông tin về mộ phần liệt sĩ tại tỉnh Bình Định, khu vực miền Trung. “Cuối năm 2021, tôi kết bạn với một cựu binh Mỹ, người trực tiếp tham chiến trong trận tập kích tại đồi Xuân Sơn năm 1966. Sau đó, cựu binh người Mỹ này đã chuyển cho tôi một số tư liệu, thông tin, bảng tường thuật và các hình ảnh, sơ đồ, vị trí hố chôn tập thể quân, dân ta tại đồi Xuân Sơn. Nhờ vậy, tôi có được những thông tin khá cụ thể về mộ phần của các liệt sĩ”, cựu binh Đặng Hà Thụy cho hay. Cũng theo ông Thụy, trận tập kích cụm quân Mỹ đóng giữ tại đồi Xuân Sơn do Trung đoàn 22 đảm nhiệm là một chiến công đặc biệt xuất sắc, thắng lợi có ý nghĩa to lớn, giáng đòn nặng góp phần phá vỡ chiến thuật “điểm tựa”, “đóng chốt” của quân Mỹ. Tuy nhiên, đây là trận chiến quân, dân ta hy sinh và mất mát rất lớn… |