Trưa 31-8, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức lễ ra quân tiễn đoàn nhân viên y tế tỉnh Bình Định tình nguyện chi viện cho TPHCM cùng tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19. Ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã đến tham dự buổi lễ.
Theo Sở Y tế tỉnh Bình Định, đoàn y, bác sĩ của tỉnh đến tham gia chống dịch tại TPHCM đợt này có 14 thành viên, gồm: 2 bác sĩ, 1 hộ sinh và 11 điều dưỡng (gọi tắt là đoàn công tác). Ngoài ra, Bình Định cử thêm một bác sĩ tại BVĐK tỉnh Bình Định đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) để vừa tham gia công tác phòng, chống dịch và tập huấn, nâng cao năng lực hồi sức tích cực cho bệnh nhân Covid-19.
Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế Bình Định lưu ý với các thành viên trong đoàn y, bác sĩ cần xác định rõ trách nhiệm chống dịch là trách nhiệm chung, sẵn sàng tâm lý tham gia chống dịch với nhiều khó khăn, thách thức kèm theo các rủi ro.
Tại lễ ra quân, ông Nguyễn Phi Long đã gửi lời động viên, ghi nhận tinh thần xung kích hết sức cao cả của các y, bác sĩ.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đây là đợt dịch chưa từng có tiền lệ đối với đất nước ta và thế giới. Trong đó, TPHCM, Bình Dương và các tỉnh phía Nam đang chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19 với số người mắc, số ca tăng mạnh. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước và các địa phương đã huy động tổng lực để khống chế song dịch vẫn diễn biến khó lường…
Trong bối cảnh đó, tỉnh Bình Định dù phải chịu tác động mạnh của dịch, song cũng đã nỗ lực chung tay với nhiều hành động, đóng góp thiết thực cho TPHCM, tỉnh Bình Dương và các tỉnh phía Nam chống dịch. Trong đó, Bình Định đã hỗ trợ kinh phí, lương thực, thực phẩm và tổ chức nhiều chuyến bay để đón người dân của tỉnh tại TPHCM về quê nhằm giảm bớt áp lực cho TPHCM.
“Trên tinh thần đó, tôi mong muốn các y, bác sĩ cần nỗ lực hết mình, xác định rõ trách nhiệm cùng tham gia với đội ngũ y, bác sĩ tại TPHCM và cả nước sớm đẩy lùi dịch bệnh”, ông Long nhấn mạnh.
Tại lễ ra quân, bác sĩ Trần Thanh Kiệt (Khoa nội tim mạch - lão khoa, Bệnh viện đa khoa khu vực Bồng Sơn) cho biết sẽ quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, tuân thủ nghiêm kỷ luật, sự phân công công việc của Sở Y tế TPHCM.
Trước đó, Sở Y tế Bình Định cùng với Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa (đóng tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) cũng đã cử đi 2 đợt gồm 54 y, bác sĩ đến tham gia công tác chống dịch tại TPHCM và tỉnh Bình Dương…
Kinh phí hỗ trợ đoàn y, bác sĩ tham gia phòng chống dịch tại TPHCM được tỉnh Bình Định huy động từ các tổ chức, cá nhân và các kinh phí hợp pháp khác. Mức hỗ trợ đối với các thành viên trên là 10 triệu đồng/người/tháng (15 ngày trở lên thì nhận hỗ trợ toàn tháng; 14 ngày trở xuống thì nhận hỗ trợ nửa tháng); chi phí đi đường, ăn hàng ngày 500 ngàn đồng/người/ngày… |
Ngay trong chiều 31-8, Bệnh viện Phong – Da Liễu Trung ương Quy Hòa đã tổ chức lễ ra quân tiễn 20 y, bác sĩ lên đường vào TPHCM chống dịch. Đoàn y, bác sĩ này được đưa đón bằng xe khách, rời TP Quy Nhơn vào 17 giờ cùng ngày để xuyên đêm vào TPHCM.
Theo BS Vũ Tuấn Anh, đoàn gồm 8 bác sĩ, 8 điều dưỡng, 4 kỹ thuật viên. Bộ Y tế phân công BS CKI Huỳnh Hữu Thiện (phụ trách Khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức, Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa) làm trưởng đoàn.