Ngày 19-2, UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Thị ủy, UBND thị xã Hoài Nhơn tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với khu địa đạo Gò Quánh (thuộc phường Hoài Thanh, thị xã Hoài Nhơn).
Khu địa đạo Gò Quánh được xây dựng trong giai đoạn từ năm 1964 – 1968, với cấu trúc địa hình gò đồi, rừng rậm, mang yếu tố bí mật cao đã được chọn làm căn cứ cách mạng trong chương trình xây dựng làng xã chiến đấu theo chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam, Liên khu ủy khu V và Tỉnh ủy Bình Định.
Địa đạo có 12 miệng hầm, đường kính khoảng 1,6m, sâu từ 10 – 13m, tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 7km.
Trong chiến tranh, hệ thống địa đạo Gò Quánh là công sự mật, được du kích, bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực Sư đoàn 3 Sao Vàng sử dụng làm nơi trú ẩn, khu điều trị, cất giấu vũ khí, đạn dược…
Đến năm 1969, khi địa đạo Gò Quánh đang tiếp tục được đào để phục vụ kháng chiến lâu dài thì bị địch phát hiện, càn quét và san ủi một số miệng hầm. Từ đó, quân ta buộc phải di chuyển khỏi khu địa đạo này để đến khu vực bí mật khác tiếp tục kháng chiến.
Hoài Nhơn là một địa phương có truyền thống cách mạng bất khuất, là nơi thành lập chi bộ Cửu Lợi, một trong những chi bộ Đảng đầu tiên của Bình Định. Đặc biệt, Hoài Nhơn có số liệt sĩ và Mẹ Việt Nam Anh hùng nhiều thứ hai cả nước.
Cùng ngày, tại Khu di tích Địa đạo Gò Quánh, thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ về “Tết trồng cây” và thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về việc trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long đã đánh trống phát động “Tết trồng cây” trên địa bản tỉnh Bình Định. Thị xã Hoài Nhơn cũng đã phát động ra quân trồng 1 triệu cây xanh trên địa bàn trong năm 2021.
Thông qua lễ phát động, thị xã Hoài Nhơn kêu gọi toàn dân tiếp tục đẩy mạnh phong trào trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ ven biển, trồng rừng sản xuất cây gỗ lớn và trồng cây xanh trên địa bàn thị xã, tăng cường mảng xanh đô thị, góp phần giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu trong tình hình mới…