Phải phê bình nghiêm khắc
Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết, hội nghị xoay quanh 3 nội dung chính, phổ biến thu quỹ phòng chống thiên tai (PCTT) của tỉnh, chương trình 15.000 HTX và mỗi xã một sản phẩm. Trong đó, có một vấn đề bàn về trách nhiệm của cộng đồng, toàn dân trong quỹ PCTT; 2 vấn đề còn lại nhằm mục đích phát triển kinh tế của các hộ gia đình, các HTX vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện theo mục tiêu xây dựng nông thôn mới, hướng đến năm 2020 toàn tỉnh Bình Định có trên 50% các xã xây dựng nông thôn mới. “Đây là cuộc họp triển khai, thực hiện quyết định lớn lao của Thủ tướng Chính phủ. Là trách nhiệm lớn lao giữa cán bộ, lãnh đạo đối với dân…”, ông Trần Châu nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đến 9 giờ 30, sau giờ giải lao chuyển qua phần thảo luận thì một số đại biểu là cán bộ, lãnh đạo UBND các huyện và cả các sở, ban ngành đã tự ý bỏ ra về giữa chừng, khiến cho hội trường nhiều hàng ghế trống trơn, lác đác các đại biểu ngồi họp rời rạc. Ông Trần Châu bức xúc: “Một cuộc họp, tôi cho rằng là rất quan trọng, tuy nhiên, một số đồng chí lãnh đạo các huyện, trong đó có UBND huyện Phù Cát, Phù Mỹ đã bỏ về trước; một số sở, ngành sau đó cũng vắng thì không chấp nhận được. Cái này tôi sẽ có văn bản gửi về cho Thường trực Huyện ủy và sẽ có báo cáo cho Thường trực Tỉnh ủy”.
Ông Châu cho rằng, những nội dung tại hội nghị là rất quan trọng, nếu lãnh đạo UBND các huyện chủ quan thì sau đó sẽ rất khó để triển khai xuống người dân. “Các đồng chí đó làm việc không có trách nhiệm, trong khi người dân đang chờ mình, các HTX thì đang rất lúng túng còn lãnh đạo huyện thì lại chủ quan… Chứ ngồi nghe lớt phớt, nửa chừng rồi về triển khai không đến nơi tới chốn…Trách nhiệm của những người đang ngồi ở đây rất lớn lao, để giúp cho các HTX, người dân. Công bộc của dân là ở đây chứ đâu…”, ông Châu nhấn mạnh.
“Ngó lơ” HTX
Tại hội nghị, nhiều đại biểu là đại diện, lãnh đạo của các HTX, địa phương cũng trình bày nhiều vướng mắc liên quan đến kinh phí, đất đai… Trong đó, đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ, giải quyết tạo điều kiện cho họ “gỡ rối”, hướng đến nhiệm vụ mà UBND tỉnh đã đặt ra đến năm 2019 sẽ thành lập mới 10 HTX nông nghiệp; đến năm 2020, thành lập 70 HTX nông nghiệp mới… Đây là các nhiệm vụ nhằm triển khai, thực hiện theo Quyết định số 461/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, ông Trần Châu cho biết, hiện tại có tình trạng các lãnh đạo UBND huyện “ngó lơ” các HTX của địa phương mình. “Bây giờ cứ đụng đến là các HTX báo cáo không có vốn, không có đất, trình độ kém, không năng động… Theo tôi, đây cũng là trách nhiệm của UBND huyện. Tại sao các doanh nghiệp đến thuê đất, các đồng chí lãnh đạo UBND huyện lại ký ngay. Còn các HTX của chúng ta thì các anh lại ghét, lơ đi? Thực tế này nó đang diễn ra. Bây giờ các HTX ốm yếu như vậy, chúng ta không tạo điều kiện, tạo cơ hội cho họ thì làm sao họ phát triển được…”, ông Châu nói.
Kết luận hội nghị, ông Trần Châu cho rằng: Tới đây, các đồng chí lãnh đạo UBND các huyện phải ưu tiên cho các HTX về thuê đất, tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về nhân lực và cơ sở vật chất... Sở NN-PTNT phải có nhiều lớp tập huấn, đào tạo cho các HTX để họ năng động hơn. Về nhiệm vụ hướng đến các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phải có liên kết chuỗi, không lẻ mẻ, rời rạc… Riêng về nhiệm vụ mỗi xã một sản phẩm, các sản phẩm phải có chất lượng, đồng đều, được công nhận là sản phẩm của địa phương mình. Mỗi xã một sản phẩm hoặc tạo ra được nhiều hơn nữa thì càng tốt, chứ không bó hẹp…