Thúc đẩy ngành công nghiệp xanh
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng đã nêu 1 số nét chính trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nói chung cũng như các chỉ số sản xuất công nghiệp. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm 2024 của tỉnh tăng 9,8% so với cùng kỳ, các ngành có chỉ số tăng trưởng cao nhất là công nghiệp khai khoáng tăng 13,24%, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10,5%. Toàn tỉnh có 25 dự án sản xuất công nghiệp đi vào hoạt động, tổng vốn gần 4.133 tỷ đồng. Dự kiến đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 64 dự án sản xuất công nghiệp đi vào hoạt động.
Qua đó, ông Hoàng đưa ra 12 nhóm đề xuất, kiến nghị đến Bộ Công thương liên quan đến Luật Phát triển công nghiệp, thí điểm các cụm công nghiệp tập trung, hạ tầng công nghiệp, mức chi hoạt động khuyến công, năng lượng điện, nâng quy mô các dự án điện…
Đặc biệt, đề nghị Bộ Công thương tạo điều kiện hỗ trợ tỉnh xúc tiến các tập đoàn kinh tế đầu tư các dự án động lực, như: nhà máy sản xuất thiết bị bán dẫn, linh kiện điện tử, nhà máy sản xuất hydrogen xanh và các dự án từ nguồn năng lượng tái tạo. Hỗ trợ tỉnh xúc tiến mời gọi các nhà máy sản xuất thuốc, hóa dược và dược phẩm và sản xuất thuốc Insulin công nghệ cao theo tiêu chuẩn GMP-EU để tỉnh sớm trở thành “Trung tâm sản xuất dược phẩm”.
Ông Nguyễn Tự Công Hoàng đề nghị Bộ Công thương giúp gỡ khó dự án điện gió ngoài khơi Hòn Trâu 2.000MW vốn 4,6 tỷ USD (do Tập đoàn PNE của Đức đầu tư) và đưa ra khỏi quy hoạch khoáng sản cả nước đối với 2 mỏ titan ở các huyện Phù Cát, Phù Mỹ có tổng diện tích 330ha.
Gỡ khó cho dự án điện gió ngoài khơi
Tại cuộc làm việc, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đã thông tin, trao đổi với đoàn công tác Bộ Công thương về một số điểm nhấn phát triển kinh tế - xã hội và bản sắc văn hóa, vùng đất và con người Bình Định. Qua đó, ông chia sẻ nỗi trăn trở nhất của tỉnh là đến nay vẫn chưa tìm được nhà đầu tư động lực để dẫn dắt.
“Trong tổng số hơn 7.600 doanh nghiệp mà chúng tôi đang có đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này rất khó để tạo được cú huých”, ông Dũng nêu và mong muốn Bộ Công thương hỗ trợ tỉnh nhà trong việc tìm kiếm các nhà đầu tư động lực, hàng đầu.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đồng thời làm rõ các nhóm kiến nghị, đề xuất mà UBND tỉnh này đã nêu ở trên. Trong đó, nhấn mạnh về dự án điện gió ngoài khơi 4,6 tỷ USD của Tập đoàn PNE. Hiện, dự án đang vướng phải cơ chế trong phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi của Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Hồ Quốc Dũng PNE là một tập đoàn năng lượng tái tạo lớn ở Đức và họ thể hiện quyết tâm đồng hành với Bình Định để hiện thực dự án. Tỉnh này đã đeo đuổi tìm cơ chế thí điểm cho dự án từ năm 2019 đến nay.
Hiện, dự án đã được Thủ tướng đồng thuận, giao Bộ Công thương và các bộ, ban ngành xem xét hướng dẫn địa phương. Vì vậy, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định rất mong Bộ trưởng Bộ Công thương quan tâm, giúp địa phương triển khai thí điểm dự án mới này.
Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cũng đề nghị Bộ Công thương xem xét, tạo điều kiện để thành lập văn phòng cấp chứng chỉ xuất nhập khẩu hàng hóa C/O đặt tại tỉnh. Bình Định đang là trung tâm chế biến xuất khẩu gỗ và lâm sản lớn nhất cả nước, trong khi lâu nay các doanh nghiệp gỗ tỉnh này xin cấp chứng chỉ C/O rất trắc trở.
Sớm khai phá “kho kinh tế xanh”
Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao những nỗ lực, kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội Bình Định. Bộ trưởng cho rằng, tiềm năng Bình Định còn rất lớn nhưng chưa được khai phá hết.
Tỉnh này hội đủ 5 phương thức vận tải rất tiềm năng, tuy nhiên, các lợi thế này vẫn chưa thực sự “đánh thức”, vì vậy, quy mô sản xuất công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh chưa cao, chưa có dự án động lực, phát triển theo chuỗi để dẫn dắt ngành nghề khác.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên gợi ý, với 5 phương thức vận tải thuận lợi trên, tỉnh nên chú trọng phát triển logistic, thương mại điện tử, kinh tế đêm, xuất khẩu tại chỗ, gắn thương mại với du lịch.
Ngoài ra, Bình Định có độ che phủ rừng lên tới 58%, đây là “kho kinh tế xanh” đầy tiềm năng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng tỉnh cần tận dụng thời cơ để phát triển thị trường tín chỉ carbon.
Bộ trưởng cho biết, từ ngày 1-1-2025, Quy chế chống mất rừng (EUDR) của EU và Mỹ có hiệu lực, vì vậy, việc xuất khẩu qua các thị trường này sẽ gặp rào cản về chứng chỉ sản xuất xanh. Bình Định cần nhanh chóng chớp thời cơ để khai thác tín chỉ carbon giúp tăng nguồn thu ngân sách và thúc đẩy nguồn lực đầu tư khác...
Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng ghi nhận các ý kiến, kiến nghị và đề xuất của UBND tỉnh Bình Định. Trong đó, giao các cơ quan hỗ trợ Sở Công thương tỉnh gỡ khó trong cấp chứng chỉ C/O và gợi ý tỉnh trong việc thí điểm đầu tư dự án điện gió ngoài khơi của Tập đoàn PNE.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công thương đưa ra 1 số chỉ đạo để Bình Định sớm hoàn thành, triển khai các quy hoạch và các chương trình phát triển năng lượng giai đoạn mới…