Giải thu hút sự tham dự của gần 100 vận động viên đến các quốc gia trên thế giới, diễn ra trong 2 ngày, từ 28 đến 29-10 với 9 nội dung thi đấu.
Giải có sự tham dự của 20 vận động viên quốc tế chuyên nghiệp từ 12 quốc gia như: Andorra, Pháp, Hungary, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Thái Lan… Bên cạnh đó, giải đua cũng phân ra 4 nội dung thuyền laser 6, 7 dành cho hàng chục vận động viên tại Việt Nam. Điều hành giải đua có các trọng tài quốc tế từ Liên đoàn Sailing châu Á và trong nước.
Lồng ghép giải đua, ban tổ chức cũng triển khai Chương trình rồng cây phủ xanh biển và Tọa đàm giải pháp phát triển kinh tế gắn với các sự kiện văn hóa, thể thao quốc tế.
Tọa đàm có các chuyên gia kinh tế, du lịch, văn hóa, khí tượng thủy văn... tham dự. Ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh đang xác định ngành du lịch là kinh tế mũi nhọn tỉnh. Trong năm 2022, doanh thu du lịch đạt 13.000 tỷ đồng (tăng 6,5 lần so với cùng kỳ năm trước), tổng lượt khách du lịch đến tỉnh đạt 4,12 triệu lượt.
Ông Lâm Hải Giang đồng thời thông tin về quá trình mời gọi, tổ chức Giải đua thuyền buồm quốc tế và ván chèo Quy Nhơn 2023 – “Hành trình phủ xanh biển”. Ngoài ra, giải đua là sự kiện mở màn chuỗi sự kiện thể thao quy mô quốc tế mà tỉnh vừa ký kết với đối tác ở Ý, dự kiến tổ chức vào tháng 3-2024.
Theo đó, Bình Định sẽ phối hợp Công ty CP Bình Định F1 cùng các đơn vị, đối tác đồng tổ chức Giải đua thuyền máy Nhà nghề quốc tế UIM F1H2O và Aquabike TP Quy Nhơn, dự kiến tổ chức ở đầm Thị Nại (Bình Định), thu hút 40 quốc gia tham gia.
Dù vậy, tại tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, lượng xăng dầu dành cho các giải này sử dụng khoảng 9.000 lít xăng A92, 2.000 lít A95 và khoảng 8.000 lít xăng máy bay… Điều này dấy lên lo ngại khả năng phát thải, nhất là thời điểm thế giới đang trong cuộc đua “Net-zero” (phát thải ròng bằng 0) mà Chính phủ Việt Nam đang cam kết thực hiện.
Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bình Định F1 cho biết, đơn vị sẽ cố gắng giảm thiểu phát thải tối đa bằng cách lồng ghép các chương trình tái chế xanh trong chuỗi các sự kiện như Festival.
GS-TS Trần Thục, Chủ tịch Hội Khí tượng - thủy văn Việt Nam cũng tin tưởng, với quyết tâm của lãnh đạo tỉnh cùng sự đồng thuận cao của người dân, Giải thuyền máy Nhà nghề quốc tế UIM F1H2O và Aquabike sẽ diễn ra thành công.
“Để thành công hơn, địa phương cần chú trọng xâu chuỗi, gắn kết chặt chẽ 3 yếu tố văn hóa, thể thao, du lịch. Còn đối với phát thải thì các thuyền F1 cũng không lớn, nhưng đó cũng là phát thải nên lâu dài, đơn vị tổ chức cần hướng đến chuyển đổi động cơ giảm thiểu phát thải hoặc có những biện pháp nào đó để bảo vệ môi trường, giảm phát thải”, GS.TS Trần Thục nêu.
Lồng ghép các giải đua này, tỉnh tổ chức các lễ hội văn hóa, Festival ẩm thực, âm nhạc, thời trang và hội nghị, hội thảo nhằm thu hút đầu tư kinh tế thể thao biển…
Cũng tại tọa đàm, nhiều ý kiến chuyên gia tập trung mổ xẻ các thế mạnh du lịch biển kết hợp kinh tế, văn hóa của tỉnh Bình Định; bao gồm các khó khăn, thách thức, cũng như những “hiến kế” giúp du lịch địa phương phát triển.
Các chuyên gia cũng đề cập ngành kinh tế thể thao, cho biết trên thế giới, nhất là Trung Quốc, Mỹ đang phát triển mạnh ngành này; Việt Nam có nhiều tiềm năng với doanh thu ước đạt 320 triệu USD/năm, do đó cần chú trọng ngành này.