Bi hài nhận 4,18 lạng gạo
Theo trình bày của một số người dân ở xã Tây Giang, trong các ngày 9, 10 và 13-2 vừa qua, chính quyền xã này mở đợt cấp bù gạo hỗ trợ gạo Tết Nguyên đán các năm 2020, 2021, 2022 cho các hộ dân nghèo, gia đình chính sách, neo đơn trên địa bàn 6 thôn thuộc xã. Nhiều người đã gác lại công ăn việc làm để đến nhận gạo của nhà nước. Tuy nhiên, khi biết số gạo nhận được chỉ hơn 4 lạng thì ai nấy đều rất bức xúc, hụt hẫng.
Trụ sở UBND xã Tây Giang nơi xảy ra vụ việc |
Bà Ng.Th.D. (52 tuổi, thôn Tả Giang 2, xã Tây Giang) là gia đình chính sách, đang nuôi mẹ già 93 tuổi, phản ánh: Ban đầu, chính quyền xã phát phiếu lên nhận gạo Nhà nước hỗ trợ, chúng tôi rất vui mừng. Nhiều người trong làng nghĩ rằng sẽ nhận được ít nhất cũng 15kg gạo nên mua thêm bao lớn với giá khoảng 5.000 đồng/cái để mang đến đựng gạo. Nhưng ngờ đâu khi được phát gạo thì mỗi người chỉ được hơn 4 lạng gạo khiến ai nấy rất bất ngờ.
“Lần đầu tiên trong mấy chục năm nay tôi mới thấy cảnh nhận hỗ trợ gạo thiếu đói 4 lạng. Nhiều người bức xúc dữ lắm vì làm họ đã bỏ hết công ăn việc làm chỉ để đi nhận được 4 lạng gạo. Mấy ngày qua, làng xóm khắp nơi trong xã Tây Giang đều xôn xao, nhiều người vẫn chưa hết bất bình”, bà D. nói.
Dư luận địa phương vẫn chưa hết xôn xao về chuyện nhận 4,18 lạng gạo thiếu đói |
Phó Chủ tịch xã bị tố “bán chui” gạo thiếu đói?
Theo phản ánh của các bậc hưu trí xã Tây Giang, nội tình bắt nguồn từ thiếu sót, vi phạm của 1 số cán bộ, lãnh đạo UBND xã này. Trong đó, trách nhiệm chính thuộc về bà Châu Thị Phương Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Giang - người trực tiếp điều hành, chỉ đạo việc cấp phát gạo trên.
Cụ thể, trong 3 năm: 2020, 2021, 2022 UBND xã Tây Giang tổ chức cấp phát gạo thiếu đói cho người dân, trong đó lồng ghép chương trình “đỏ lửa ngày Tết” để chăm lo, động viên người dân nghèo, gia đình chính sách, người neo đơn (theo chương trình chung của Chính phủ). Tuy nhiên, quá trình cấp phát gạo xảy ra tình trạng đong thiếu gạo của người dân, dẫn đến tồn kho gần 1 tấn gạo.
Dù gạo tồn kho lượng lớn, nhưng bà Trang lại không báo cáo cấp trên, lãnh đạo huyện để xử lý. Tháng 6-2022, bà Trang tự ý chỉ đạo người vận chuyển toàn bộ số gạo tồn kho ra ngoài khảo sát giá thị trường và bán đi mà không hề báo cáo, xin ý kiến tập thể, cấp trên.
Khi cán bộ Đài truyền thanh xã phát hiện gạo trong kho mất tích liền tá hỏa trình báo cho các lãnh đạo xã. Một cựu lãnh đạo xã này sau đó trình báo, tố giác sự việc lên các cấp, ngành để vào cuộc làm rõ. Sự việc sau đó được Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Tây Sơn vào cuộc, xử lý kỷ luật bà Trang hình thức cảnh cáo do thiếu tinh thần trách nhiệm; ông Đặng Văn Hậu (công chức văn hóa xã hội xã Tây Giang) bị khiển trách do “cân đong gạo hỗ trợ người dân thiếu chuẩn xác”…
Tuy vậy, 1 số bậc hưu trí, nguyên lãnh đạo xã vẫn không đồng tính với cách xử lý trên và cho rằng có bao che, không đúng người đúng tội. “Những năm qua cả nước bị ảnh hưởng dịch Covid-19, bà con san sẻ từng lon gạo, gói mì. Trong khi đó, xã Tây Giang để gạo tồn kho rồi mọt, mốc mà không hề báo cáo tìm hướng giải quyết. Sau này, bà Trang tự ý bán chui gạo ra ngoài như thế là việc làm rất chủ quan, có dấu hiệu lợi ích cá nhân”, ông T.Ng.L. cho biết.
Các vị hưu trí ở xã Tây Giang trình bày sự việc với báo chí |
Làm việc với chúng tôi, bà Trang thừa nhận việc tồn kho lượng lớn gạo do bản thân chủ quan, không báo cáo cấp trên xử lý sớm. Ngoài ra, bà này cũng thừa nhận việc tự ý chỉ đạo người đưa số gạo trên ra khỏi kho để khảo sát giá thị trường và bán. Khi nhiều người tố giác thì bà Trang nhận rõ sai sót và chủ động bỏ tiền túi ra để mua gạo trả về kho để phát cấp bù cho dân. Tại buổi cấp phát gạo bù bà này cũng đứng ra trình bày rõ sự việc và xin lỗi người dân…
Bà Trang giải thích, lý do đong thiếu gạo là tổ phát gạo xã không kịp cân mà sử dụng xô để gạch định lượng số gạo hỗ trợ, người dân cũng không ý kiến gì khi phát gạo. “Liên quan đến gạo hỗ trợ người nghèo, gia đình chính sách thì không có cơ chế nào để xử lý gạo tồn kho sau khi người dân đã nhận, ký đủ. Vì vậy, bản thân tôi thấy tận dụng bán để lấy tiền có nguồn để đó sau hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn đột xuất chứ không hề có tư lợi gì", bà Trang nói.
Ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) cho biết, việc cấp phát gạo bù 4,18 lạng gạo như dân phản ánh là chỉ đạo của UBND huyện sau khi đưa ra bàn thảo phương án khắc phục sự việc. Mặc dù sự việc được khắc phục, nhưng ít nhiều ảnh hưởng nhiều đến uy tín cán bộ xã, tạo dư luận không tốt cho địa phương.
Câu chuyện trên khiến dư luận, người dân địa phương dấy lên lo lại về cách điều hành, lãnh đạo của UBND xã Tây Giang |
Theo ông Hùng, lỗi ở đây cũng có phần từ tập thể cán bộ, lãnh đạo Tây Giang quá quan liêu, biểu hiện cá nhân, thiếu trách nhiệm kiểm tra, giám sát. “Số lượng gạo tồn kho rất lớn ngay trong trụ sở xã mà các lãnh đạo xã khi được hỏi không hay biết là thiếu tinh thần trách nhiệm cần chấn chỉnh ngay”, ông Hùng nói.
Còn về các nội dung cán bộ, lãnh đạo hưu trí đang đặt ra, ông Hùng cho biết, tới đây huyện Tây Sơn sẽ xem xét để tiếp tục xử lý bước 2 theo quy định của Đảng. Có thể điều chuyển những lãnh đạo, cán bộ vi phạm qua vị trí khác phù hợp hơn để tránh dư luận xấu.
Người tố giác bị mời lên để kiểm điểm
Ông T.Ng.L (nguyên lãnh đạo xã Tây Giang), người đứng ra để báo cáo, tố giác sự việc trên cho biết: “Sau khi tố giác sự việc, tôi bị mời lên làm việc 3 lần, huyện Tây Sơn đòi kỷ luật tôi do khiếu kiện vượt cấp. Tuy nhiên, tôi thấy vụ việc đã rõ trắng đen nhưng cách làm việc của các ngành chức năng quá lâu, kéo dài 3 tháng, và chưa thấu đáo, có dấu hiệu bao che, sai bản chất nên tôi tiếp tục gửi đơn lên cấp cao hơn”, ông L. nói.