>>> Video ghi nhận nước lũ vây làng "nuốt" đường sá ở Bình Định:
Do ảnh hưởng của bão số 12, sau đó mưa trên diện rộng đã làm mực nước trên các sông, đập, hồ chứa dâng lên mức báo động III; đặc biệt là các sông Hà Thanh, sông Kôn…; tại hồ chứa Định Bình mực nước đã lên 89,36m cao hơn mực nước cao nhất trước lũ 8,43m.
Mưa lũ đã làm các địa phương ở huyện An Lão, Hoài Nhơn, Tuy Phước… chìm ngập trong nước lũ, nhiều nơi bị cô lâp, chia cắt hoàn toàn với bên ngoài.
Cụ thể, theo báo cáo của UBND huyện Hoài Nhơn, hiện tại các địa bàn mực nước lũ đang lên báo động III (0,7m). Các xã Hoài Hải, Hoài Mỹ, Hoài Xuân, Hoài Hương, Tam Quan Bắc, Hoài Phú bị cô lập hoàn toàn.
Hiện nay toàn huyện đã có 10 công trình bị sạt lở và nước cuốn trôi; nước sông Lại Giang dâng cao làm số nhà dân bị ngập trên địa bàn huyện tiếp tục tăng thêm. Tính đến ngày 6-11 toàn huyện đã có thêm 800 nhà dân bị ngập nước; 272 hộ dân ở các xã Hoài Châu, Tam Quan Nam, Tam Quan, Tam Quan Bắc, Hoài Châu Bắc, Hoài Thanh Tây, Hoài Đức phải di dời khẩn cấp để tránh lũ…
Do mưa lớn nước lũ lên nhanh nên nhiều công trình giao thông, thủy lợi trên địa bàn huyện bị hư hỏng, sạt lở như: Cầu Suối Cạn, thị trấn Tam Quan, sạt lở kênh tiêu đồng Ba La, Bàu Sen ở xã Hoài Tân, Sạt lở kênh mương trạm bơm Gò Cốc, Suối Cầu Soi ở xã Hoài Sơn,…
Xã Hoài Hải (Hoài Nhơn) là địa phương thường xuyên bị cô lập do lũ, nên trước đó Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã đã kịp thời chuẩn bị thuốc men, lương thực và nước uống để kịp thời cung ứng cho người dân.
Ông Cao Thanh Thương – Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn – Trưởng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện cho biết: “Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, huyện đã huy động lực lượng tại chỗ hơn 2.100 người từ huyện đến địa phương thường xuyên ứng trực, chuẩn bị gần 390 phao, áo phao các loại, 22.620 bao cát cùng hàng trăm xe cơ giới để ứng phó với mưa lũ, huyện cũng chủ động cho học sinh các cấp nghỉ học vào ngày 6-11-2017.”
Tại huyện An Lão, năm nay nước lũ đã lớn hơn các năm trước, lũ lên trên mức báo động III, làm ngập khoảng 1.045 hộ dân. Các tuyến đường giao thông bị sạt lở ở nhiều nơi, các tuyến đường từ An Hòa đi An Nghĩa, An Toàn bị sạt sạt trên 1.500m³ đất; trên 10 tấn lúa giống của bà con bị ngập ướt.
Các xã An Nghĩa, An Toàn, An Dũng, An Vinh (huyện An Lão) đang bị cô lập hoàn toàn do bị giao thông chia cắt; đặc biệt, có 3 nhịp cầu (18m) huyết mạch ở xã An Liên bị lũ cuốn sập, cầu bắt qua sông 100m cô lập 2 xã An Nghĩa, An Vinh.
Tại huyện Tuy Phước, nhiều xã vẫn bị nước lũ “vây” đặc biệt là 2 xã Phước Thuận, Phước quang. Nhiều tuyến đường vẫn còn bị chia cắt, người dân phải sử dụng xe tải để vận chuyển phương tiện, thực phẩm, đồ đạc qua lại.
Thất lạc trong “biển lũ”
Tại xã Phước Quang, đến chiều 6-11, nhiều người dân vẫn bị “lạc” giữa lũ chưa thể về được nhà.
Bà Trần Thị Tâm, 46 tuổi, thôn Tân Lễ (Phước Quang) đưa người con gái bị sốt ra ngoài để khám bệnh, tuy vậy suốt một ngày trời chỉ luẩn quẩn “lạc” quanh rốn lũ chẳng đi được.
“Con bé bị lên cơn sốt từ tối qua, tôi phải đưa con qua đây để xuống xã xin giấy bảo hiểm đi chữa bệnh. Nhưng đi từ sáng đến giờ nước lớn quá nên khám bệnh cho con không được, giờ thì cũng không thể về nhà được vì lũ chảy xiết quá. Giờ thì chẳng biết chừng nào mẹ con tôi mới về đến nhà”, bà Tâm lo lắng.
Ngoài ra, theo ghi nhận vào chiều tối 6-11, tại điểm ngập đường vào thôn Tân Lễ có rất nhiều học sinh THPT đi học từ buổi sáng nhưng đến chiều vẫn chưa vượt qua được họng lũ để về nhà. Nhiều tuyến, dù nước lũ đang lên cao, cuộn xiết nhưng người dân vẫn mạo hiểm vượt lũ để ra ngoài.
Theo ông Nguyễn Văn Trình, Phó chủ nhiệm Chính trị - Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định: Trong ngày 6-11, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định đã huy động gần 20 chiến sĩ về xã Phước Quang để nắm bắt tình ngập lụt giúp người dân ứng phó. Ngoài ra, có 2 ca nô và nhiều phương tiện được huy động để để giúp người dân qua lại các điểm, tuyến bị ngập lụt, nguy hiểm…
Ngoài ra, tại các tuyến đường bị ngập lụt địa phương đã huy động lực lượng thanh niên xung kích cùng phối hợp với CSGT cùng phối hợp chốt chặn không cho người dân qua lại vùng nguy hiểm.