Bình Định kiên trì hiện thực trang trại điện gió trên biển 4,6 tỷ USD

Ngày 22-10, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định đã có cuộc tiếp và làm việc với lãnh đạo Tập đoàn PNE (Đức), liên quan đến dự án điện gió ngoài khơi tổng vốn 4,6 tỷ USD đang được khảo sát, nghiên cứu đầu tư tại tỉnh này.

Trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất Việt Nam

Tại cuộc làm việc, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đã thông tin để nhà đầu tư đối tác ở Đức nắm về các tiềm năng, thế mạnh và những chương trình, quy hoạch, mục tiêu phát triển của tỉnh này.

3.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định trao đổi với các lãnh đạo Tập đoàn PNE tại cuộc làm việc

Tỉnh Bình Định có đường bờ biển 134km, hội đủ các tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế biển. Trong quy hoạch phát triển, Bình Định đặt mục tiêu phát triển kinh tế biển trở thành động lực quan trọng của tỉnh. Những năm qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối, khơi thông các thế mạnh và quỹ đất ven biển.

Theo ông Hồ Quốc Dũng, Bình Định nằm vùng duyên hải biển giữa Việt Nam, hội tụ khá đầy đủ các loại hình giao thông vận tải, gồm: đường bộ, đường sắt, cảng biển, đường biển, hàng không… Hiện, dự án Đường bộ cao tốc Bắc – Nam đang triển khai qua tỉnh Bình Định, tới đây, Chính phủ sẽ tiếp tục đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam, cơ bản đã phủ đầy các mạng lưới, hệ thống giao thông qua tỉnh.

DJI_0267.JPG
Cảng biển quốc tế Quy Nhơn đang xuất khẩu hàng hóa đến 85 quốc gia

Tỉnh đang tập trung nâng cấp Sân bay Phù Cát trở thành cảng hàng không quốc tế, trong đó đầu tư thêm 1 đường cất hạ cánh mới, vốn khoảng 3.013 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh cũng sở hữu cảng Quy Nhơn được đánh giá là cảng nước sâu lớn đang xuất khẩu hàng hóa đến 85 quốc gia trên thế giới.

Trong quy hoạch phát triển, nhất là phát triển về kinh tế ven biển, ngoài việc định hình các phân vùng phát triển du lịch, thương mại, công nghiệp thì Bình Định rất quan tâm thu hút dự án năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, hydrogen… Tỉnh đã quy hoạch sẵn để đón đầu các dự án năng lượng tái tạo ven biển và ngoài khơi.

Đề cập đến Dự án trang trại điện gió ngoài khơi mà Tập đoàn PNE quan tâm, ông Hồ Quốc Dũng thông tin, dự án được 2 bên thúc đẩy từ năm 2019. Sau nhiều lần trực tiếp qua Đức để tìm hiểu nội tại của PNE, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã đặt quyết tâm sẽ kiên trì đeo bám để hiện thực dự án này.

3(12).jpeg
Khảo sát gió và vị trí thực hiện trang trại điện gió ngoài khơi Bình Định. Ảnh: THÙY TRANG

“Tôi đã trực tiếp qua Đức và đến tận trụ sở của PNE, tận mắt chứng kiến trang trại điện gió ngoài khơi của tập đoàn này. Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy được tiềm năng lớn của PNE là tập đoàn lớn mạnh, đa quốc gia, giàu kinh nghiệm”, ông Hồ Quốc Dũng kể.

Đối với dự án, nhiều lần lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng đã làm việc, báo cáo với với Thủ tướng.

“Tôi cùng Chủ tịch UBND tỉnh có 3 lần làm việc với Thủ tướng để trình dự án điện gió ngoài khơi này. Khi chúng tôi báo cáo, Thủ tướng rất ủng hộ về dự án”, ông Hồ Quốc Dũng thông tin thêm.

2.jpg
Lãnh đạo tỉnh Bình Định tặng quà lưu niệm cho nhà đầu tư ở Đức

Dự án điện gió PNE ở ngoài khơi Bình Định là trang trại điện gió ngoài khơi lớn đầu tiên ở Việt Nam. Hy vọng, Tập đoàn PNE sẽ tiếp tục cùng với tỉnh kiên trì thúc đẩy để hiện thực dự án này, nhằm đóng góp cho phát triển của Bình Định và cả Việt Nam. Đặc biệt, dự án còn có ý nghĩa thúc đẩy năng lượng tái tạo cho công nghiệp xanh của Việt Nam và cả các nhà đầu tư của Đức; góp phần giúp Chính phủ Việt Nam thực hiện hiệu quả cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26

Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định

Còn “mảnh ghép” quan trọng về pháp lý

Tại cuộc làm việc, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng có những trao đổi, thông tin đến lãnh đạo Tập đoàn PNE. Ông mong muốn lãnh đạo PNE cần có những quyết định mạnh mẽ, quyết tâm hơn nữa để dự án được hoàn tất thủ tục, tiến tới đầu tư trong thời gian tới.

Khi hoàn thành, dự án không chỉ cung cấp công nghiệp xanh của Việt Nam mà còn cung cấp năng lượng sạch cho các tập đoàn, nhà đầu tư của Đức và các nước trên thế giới khi đến đầu tư ở Bình Định.

Tại cuộc làm việc, ông Per Hornung Pedersen, Chủ tịch, kiêm Tổng Giám đốc điều hành của Tập đoàn PNE cũng nhấn mạnh quyết tâm sẽ kiên trì cùng tỉnh Bình Định và Chính phủ Việt Nam hiện thực dự án trang trại điện gió ngoài khơi tỉnh Bình Định.

DSC02453.JPG
Ông Per Hornung Pedersen, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành của Tập đoàn PNE

Qua khảo sát ban đầu, vùng biển Bình Định rất có tiềm năng, phù hợp yêu cầu của PNE để triển khai dự án điện gió trên biển.

“Điều đầu tiên của dự án điện gió là tốc độ gió. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy ven biển Bình Định có tốc độ gió rất tốt. Ngoài ra, hạ tầng tỉnh được đầu tư hoàn thiện, rất bài bản”, ông Pedersen nói.

Theo Chủ tịch, kiêm Tổng Giám đốc điều hành PNE, sau 4 năm thúc đẩy, dự án cũng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Chính phủ 2 nước Việt Nam và Đức.

Ông Pedersen rất kỳ vọng dự án trở thành mô hình thí điểm đầu tiên khai thác tiềm năng của gió ở biển Việt Nam và trở thành dự án thí điểm là hình mẫu cho sự hợp tác thiết thực giữa 2 nước Việt Nam và Đức.

1.jpg
Lãnh đạo PNE trao quà biểu tượng con trâu trong văn hóa Việt Nam cho các lãnh đạo tỉnh Bình Định

Ông Per Hornung Pedersen cho rằng, triển khai 1 dự án điện gió ngoài khơi cũng như việc cố gắng để lắp ráp một mô hình. Những "mảnh ghép" còn thiếu cần được đôi bên chung tay kiên trì để hoàn thành, đôi khi mất nhiều thời gian.

Hiện, dự án đang vướng 1 số chính sách, pháp lý đầu tư. Phía các bộ, ngành Trung ương và địa phương Việt Nam cùng nhà đầu tư đang cố gắng để lắp ráp “mảnh ghép” này, để hoàn thành cơ sở pháp lý, tiến tới đầu tư dự án.

6(6).jpeg
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn (áo sơ mi xanh) đưa nhà đầu tư khảo sát dự án. Ảnh: THÙY TRANG

Cung cấp 7,1 tỷ kWh năng lượng tái tạo/năm

Dự án Điện gió ngoài khơi tại tỉnh Bình Định do Tập đoàn PNE khảo sát, nghiên cứu có quy mô công suất 2.000 MW, 3 giai đoạn tổng vốn khoảng 4,6 tỷ USD (mỗi giai đoạn hơn 1,5 tỷ USD).

Dự án khi vận hành phát điện, mỗi năm sẽ cung cấp khoảng 7,1 tỷ kWh điện năng lượng tái tạo, đóng góp ngân sách khoảng 1.600 tỷ đồng/năm.

Tin cùng chuyên mục