Ngày 26-2, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cùng ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh đã dẫn đoàn công tác tỉnh, cùng với các chuyên gia và đơn vị hàng không trong nước đi khảo sát để thành lập một số tour, tuyến, điểm du lịch mới tại đầm Thị Nại và 1 số điểm du lịch ở huyện Tuy Phước (Bình Định).
Đến khảo sát tại đầm Thị Nại, nhiều chuyên gia, đại diện hãng hàng không đánh giá rất cao tiềm năng du lịch sinh thái ở khu vực đầm này. Nhiều ý kiến cho rằng, đầm Thị Nại (khoảng 5.000ha) đang là “báu vật” của Bình Định, nếu khai thác tiềm năng sẽ là động lực lớn cho ngành du lịch tỉnh.
Đoàn khảo sát của Bí thư Tỉnh ủy Bình Định trên ca nô quanh đầm Thị Nại |
Đại diện Tập đoàn Vietravel cho rằng, vùng đầm Thị Nại rất có tiềm năng khai thác các tour, tuyến du lịch sinh thái, trở về với thiên nhiên, hoàn toàn có thể triển khai sớm trong mùa hè 2023. Tập đoàn cho biết, sẽ hỗ trợ Bình Định thiết lập các tour, tuyến du lịch có sự cân bằng, khai thác tiềm năng văn hóa, lịch sử, tâm linh, sinh thái biển, đầm vịnh…
Đầm Thị Nại là quần thể sinh cảnh với gần 1.000ha rừng ngập mặn, hơn 200ha thảm cỏ biển, có 25 loài, gần 200 loài thủy sinh, cá, phù du và trên 100 loài chim. Bình Định đang dành gần 400ha đầm Thị Nại để phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch sinh thái kết hợp công viên rừng mặn… Hiện, các ngành chức năng đang trong giai đoạn khảo sát, thành lập Khu dự trữ thiên nhiên đầm Thị Nại…
Khu sinh thái Cồn Chim với hệ rừng ngập mặn và vô vàn loài chim di cư đến hàng năm |
Bình Định đẩy mạnh trồng và phục hồi rừng ngập mặn ven đầm Thị Nại |
Tại buổi khảo sát, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho biết, hiện tỉnh đang xây dựng quy hoạch tổng thể của vùng Tuy Phước, lấy trung tâm là đầm Thị Nại với Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Cồn Chim cực kỳ quý hiếm. Kết quả các đợt khảo sát chuyên môn, với những đóng góp của các chuyên gia sẽ giúp Bình Định định hình có được quy hoạch phát triển tổng thể hiện đại, để xây dựng sản phẩm du lịch khai phá tiềm năng đầm Thị Nại.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, trước mắt, tỉnh sẽ thực hiện việc khơi thông 1 số luồng tuyến để kết nối du lịch TP Quy Nhơn với đầm Thị Nại, ưu tiên tuyến du lịch đường thủy. Tiếp đến, khi có quy hoạch tổng thể tỉnh sẽ đầu tư, phát triển các điểm du lịch sinh thái, sản phẩm du lịch mới ven đầm Thị Nại.
Đoàn khảo sát của lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Định đến Tiểu chủng viện Làng Sông |
Dịp này, đoàn công tác cũng đến khảo sát tại 1 số điểm du lịch như ở tháp Chăm cổ Bánh Ít, Tiểu chủng viện Làng Sông (huyện Tuy Phước).
Tháp Chăm Bánh Ít được xây dựng từ cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII, mang đậm dấu ấn văn hóa, kiến trúc Chăm trên đất Bình Định. Đây cũng là công trình kiến trúc cổ của Việt Nam lọt vào cuốn sách "1.001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời" của nhóm tác giả người Anh.
Toàn cảnh tháp Chăm Bánh Ít. Ảnh: NGUYỄN DŨNG |
Tiểu chủng viện Làng Sông là công trình Công giáo hình thành từ năm 1872, theo kiến trúc nhà thờ người Châu Âu Gothic. Đây cũng là nơi đặt một trong ba cơ sở in chữ Quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam, gồm nhà in Tân Định (Sài Gòn), nhà in Ninh Phú (Hà Nội) và nhà in Làng Sông (Bình Định)…