Ngày 14-9, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản số 5346/UBND-VX gửi Báo SGGP liên quan đến vụ các doanh nghiệp hút cát ở đầm Thị Nại, gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và sinh kế của người dân.
Văn bản do ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định ký thể hiện sự cầu thị, quan tâm của địa phương này về những thông tin báo chí phản ánh liên quan đến các nguyện vọng, bức xúc của người dân sinh sống ven đầm Thị Nại.
Qua đó, ông Nguyễn Tuấn Thanh giao Giám đốc Sở TN-MT tỉnh này chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan kiểm tra, xác minh nội dung thông tin báo chí đã phản ánh, khẩn trương làm rõ trách nhiệm và xử lý đối với tập thể, cá nhân liên quan (nếu có).
Khi có kết quả, cần công khai trả lời cho các cơ quan báo chí, đồng thời gửi báo cáo cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở TT-TT để theo dõi, tổng hợp…
Mới đây, Sở TN-MT tỉnh Bình Định cũng đã có câu trả lời, phản hồi PV Báo SGGP liên quan đến tình trạng doanh nghiệp hút cát, san lấp đầm Thị Nại. Theo đó, Khu du lịch sinh thái và biệt thự Đầm Thị Nại (Thị Nại Ecobay), do Công ty CP Thị Nại ECO Bay làm chủ đầu tư, đã được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, song chưa đánh giá tác động của hoạt động nạo vét, bơm hút bùn, cát tại đầm Thị Nại.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã có văn bản giới thiệu các mỏ vật liệu san lấp mặt bằng để thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái và biệt thự Đầm Thị Nại, Sở TN-MT đã hướng dẫn Công ty CP Thị Nại ECO Bay thực hiện việc lập hồ sơ khai thác khoáng sản.
Tuy nhiên, đến nay Sở này chưa nhận được bất cứ hồ sơ nào của doanh nghiệp này liên quan đến thiết kế nạo vét kết hợp bơm hút cát, hồ sơ môi trường và cấp phép khai thác cát cho dự án nạo vét…
Liên quan đến khu đất phía ngoài dự án Khu du lịch sinh thái và biệt thự Đầm Thị Nại do Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc san lấp ở rừng ngập mặn đầm Thị Nại, đoạn thuộc phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn). Sở TN-MT cho biết, theo quy hoạch 1/2.000 Khu A thuộc Khu đô thị - Thương mại Bắc sông Hà Thanh, vị trí này được giao cho Công ty TNHH Khoáng sản Thành An lập dự án. Đến nay Thành An đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa được cho thuê đất, giao đất và chưa lập hồ sơ môi trường cho dự án. Do đó, doanh nghiệp chưa được phép triển khai các hoạt động liên quan đến dự án tại khu vực này.
Trao đổi qua điện thoại với PV Báo SGGP, ông Trần Ngọc Hiền, Chủ tịch UBND phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn) cho biết, khu đất này do Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc san lấp để làm bãi chứa vật liệu, trạm trộn bê tông phục vụ 2 dự án đường QL19 và dự án đường nối TP Quy Nhơn đi Nhơn Hội. Sau khi giải phóng mặt bằng, quản lý khu đất này thuộc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Bình Định, không còn thuộc trách nhiệm của địa phương.
“Đối với các doanh nghiệp làm dự án ở ven đầm Thị Nại đều do tỉnh cấp phép và thuộc quản lý của Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh chứ phường thì không có thẩm quyền vào kiểm tra được…”, ông Hiền cho hay.
Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của PV Báo SGGP, khu đất này hiện tại đang được doanh nghiệp san lấp ngày càng rộng ra, nhiều diện tích rừng ngập mặn, đìa tôm của người dân bị san lấp. Thay thế vào đó là ngổn ngang những rác xà bần, sắt vụn, phế thải, vật liệu bê tông bỏ đi…
Về câu hỏi quan điểm của Sở TN-MT liên quan đến những hệ lụy về môi trường, sinh thái, mảng xanh TP Quy Nhơn... khi đô thị hóa quá mức, ồ ạt lấn đầm Thị Nại, phá rừng ngập mặn làm đô thị, biệt thự, khách sạn, ông Huỳnh Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bình Định cho rằng, việc hình thành các dự án trên đầm Thị Nại chắc chắn sẽ gây tác động, ảnh hưởng đến hệ sinh thái, dòng chảy… tại khu vực nên cần có các tính toán cụ thể và giải pháp giảm thiểu đi kèm khi tiến hành thẩm định, triển khai xây dựng dự án…
Ông Vinh cho biết thêm, khi thẩm định hồ sơ môi trường và trình UBND tỉnh phê duyệt báo cáo ĐTM của dự án, Sở TN-MT yêu cầu doanh nghiệp phải hoàn thành việc trồng rừng ngập mặn và chăm sóc cây trồng phát triển tốt, đảm bảo diện tích rừng trồng của dự án là 10,4ha trước khi hoàn thành việc xây dựng các hạng mục công trình khác của dự án. Hiện nay, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng lập đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu vực phía Đông đầm Thị Nại.
Như Báo SGGP đã phản ánh, trước đó, hàng trăm hộ dân tổ 48 và 49, khu vực 9A, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), bức xúc phản ánh việc khu rừng ngập mặn ở đầm Thị Nại bị một số doanh nghiệp ồ ạt hút cát, san lấp làm biệt thự, resort… Việc làm này ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản, môi trường và sinh kế của dân. Ông Nguyễn Văn Mới (69 tuổi, ở xóm Đăng, tổ 49) cho biết, bãi cồn ở đây là một cồn nổi, nơi các loài thủy sinh sinh sản, nằm ở bên ngoài khu rừng đước giữa đầm Thị Nại. Xưa nay, khoảng 500 hộ dân ở tổ 48 và tổ 49 vẫn sống no ấm với khu rừng ngập mặn, bãi cồn. Cao điểm, có hàng trăm người dân ở các phường Đống Đa, Nhơn Bình, Nhơn Ân, Bình Thới đến bãi cồn, khu rừng này để hành nghề. Hàng năm, cứ đến mùa cá mú giống (tháng 8 đến tháng 10), dân làng ở đây kiếm được tiền triệu mỗi ngày. Người dân ở phường Đống Đa (TP Quy Nhơn) phản ánh về dự án biệt thự Thị Nại Ecobay Gần đây, Công ty CP Thị Nại Eco Bay đã cho đơn vị thi công đến đấu vòi hút ngay tại bãi cồn và rừng đước để hút cát san lấp làm dự án. Phát hiện, dân làng kéo rất đông ra ách lại, yêu cầu doanh nghiệp phải hút cát cách xa rừng đước 200m để bảo vệ cồn bãi, rừng đước, giữ môi trường; không được tàn phá, xâm phạm rừng đước… Theo ông Mới, nghịch lý là trước kia chính quyền địa phương phát động trồng rừng, gây rừng, giữ rừng ngập mặn để tạo sinh kế, giờ lại giao cho doanh nghiệp phá rừng đước, san lấp, phân lô làm dự án. Theo người dân, giữ lại rừng đước, đầm phá để phát triển du lịch cộng đồng mới là hợp lý và phát triển bền vững. Theo tài liệu PV Báo SGGP có được, để làm dự án khu sinh thái, biệt thự Thị Nại Eco Bay (Công ty CP Thị Nại Eco Bay làm chủ đầu tư), cần 1,5 triệu mét khối đất cát lấy từ Khu kinh tế Nhơn Hội và đầm Thị Nại để san nền. Dự án đã được giao 2 điểm hút cát ở giữa đầm Thị Nại. Do 2 điểm được giao ảnh hưởng đến di tích thắng cảnh tháp Thầy Bói và nằm chồng lên luồng hàng hải Quy Nhơn nên các cơ quan chức năng đang hoàn tất hồ sơ, bố trí mỏ cho Thị Nại Eco Bay. Tuy chưa được bố trí mỏ chính thức, nhưng đơn vị thi công đã tự ý hút cát ở đầm Thị Nại, tự mua nguồn cát chưa cấp phép ở Khu kinh tế Nhơn Hội và san lấp mặt bằng. Một lãnh đạo UBND phường Đống Đa thông tin, trước đó, có khoảng 60 người dân ở khu vực 9A đến UBND phường để phản ứng việc doanh nghiệp hút cát ở đầm Thị Nại, làm mất bãi cồn, mất sinh kế của dân cũng như việc hút cát gây ảnh hưởng đến các nhà dân liền kề. Trước mắt, địa phương đã đề nghị phía Công ty CP Thị Nại Eco Bay dừng việc hút cát để báo cáo lên cấp trên tìm hướng giải quyết… |