Bình Điền xây dựng mô hình "canh tác cà phê thông minh" cho 5 tỉnh Tây Nguyên

Tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, Viện Khoa học kỹ thuật (KHKT) Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vừa ký kết thỏa thuận hợp tác thực hiện mô hình "canh tác cà phê thông minh" ứng phó với biến đổi khí hậu vùng Tây Nguyên.
Các đơn vị cùng ký kết hợp tác "canh tác cà phê thông minh" cho 5 tỉnh Tây Nguyên
Các đơn vị cùng ký kết hợp tác "canh tác cà phê thông minh" cho 5 tỉnh Tây Nguyên

Hợp tác cùng phát triển

Nhằm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh Tây nguyên, năm 2017, Công ty Bình Điền và Viện WASI đã ký kết hợp tác chiến lược nghiên cứu và phát triển KHKT trong lĩnh vực phân bón đối với canh tác cây trồng khu vực Tây Nguyên.

5 năm qua, chương trình đã thực hiện được 23 nghiên cứu và 28 mô hình trình diễn phân bón Đầu Trâu trên tổng diện tích 25,2ha cà phê, hồ tiêu cây ăn trái và cây bắp; đã tổ chức 8 cuộc tọa đàm giới thiệu kết quả nghiên cứu và chuyển giao TBKT cho gần 1.000 nông dân Tây nguyên. Các sản phẩm phân bón tham gia nghiên cứu, khảo nghiệm, trình diễn là: NPK và NPK chuyên dùng, Đầu Trâu cân bằng đất, Đầu Trâu trung lượng Plus, Đầu Trâu hữu cơ sinh học.

Kết quả đạt được trên một số cây trồng, như hồ tiêu, sầu riêng, bơ, ngô, rau củ... đều cho năng suất tăng hơn 20 %, hiệu quả kinh tế tăng từ 10- 33%, lợi nhuận tăng từ 50 đến 140% so với đối chứng.

Riêng cây cà phê hiệu quả kinh tế tăng từ 10-28%, hiệu quả 1 đồng đầu tư phân bón đạt 2,45 đồng.

Từ kết quả đạt được, Bình Điền tổ chức xây dựng mô hình "canh tác cà phê thông minh", giai đoạn 2023-2028 cho 5 tỉnh Tây nguyên, được các bên (Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Viện WASI) thống nhất hợp tác trên tinh thần tự nguyện, bình đẳng và cùng có lợi nhằm xây dựng quy trình canh tác cà phê thông minh cho từng tỉnh tại Tây nguyên với nghiên cứu, phát triển bộ công thức phân bón Đầu Trâu/Bình Điền theo hướng đặc thù, chuyên dùng, phù hợp với tính chất đất, góp phần cải thiện độ phì nhiêu của đất, giảm bệnh hại cây trồng từ đất, giảm giá thành, nâng cao chuỗi giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính; từ mô hình sẽ nhân rộng ra toàn vùng với các kiểu canh tác: cà phê thuần và cà phê trồng xen với cây ăn quả; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, hướng tới một nền nông nghiệp phát triển hiện đại và bền vững.

Ông Ngô Văn Đông, Tổng Giám đốc Công ty CPPB Bình Điền phát biểu tại hội nghị

Ông Ngô Văn Đông, Tổng Giám đốc Công ty CPPB Bình Điền phát biểu tại hội nghị

Ông Ngô Văn Đông, Tổng Giám đốc Công ty CPPB Bình Điền, chia sẻ: “Là doanh nghiệp sản xuất phân bón với tiêu chí luôn là bạn đồng hành của nhà nông, Bình Điền luôn hướng về bà con nông dân và sản xuất nông nghiệp với sự cảm thông và sẻ chia sâu sắc. Chúng tôi đã làm, kiên trì và liên tục làm những chương trình góp phần chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, giúp nông dân giảm bớt khó khăn, nhọc nhằn trên đồng ruộng mà vẫn đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất, đời sống được cải thiện ngày càng nhiều hơn. Bình Điền muốn làm một mắt xích có trách nhiệm từ nhà khoa học tới nông dân. Cùng với thành công chương trình "canh tác lúa thông minh" tại đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi quyết tâm tổ chức, thực hiện thành công mô hình "canh tác cà phê thông minh" cho 5 tỉnh Tây Nguyên”.

Vì sự phát triển bền vững của Tây Nguyên

Ông Trần Vinh, quyền Viện trưởng Viện WASI, bày tỏ: "5 năm qua, hợp tác giữa WASI và Bình Điền đã có hiệu quả thiết thực trên nhiều loại cây trồng, nhất là cây cà phê tại Tây Nguyên. Hiện nay, nông nghiệp Việt Nam đang chuyển mình từ sản xuất tự phát, dựa trên tập quán, kinh nghiệm của nông dân sang sản xuất thông minh, công nghệ 4.0. Tây Nguyên có nhiều loại cây công nghiệp, cây ăn quả đặc sản, nhiều cây tức thời cho hiệu quả kinh tế rất cao; nhưng không có cây nào bền vững, ổn định lâu dài, có tương lai như cây cà phê. Chúng tôi rất ấn tượng với đề án mô hình canh tác cà phê thông minh của Bình Điền. Điều đó vừa giúp cho nông dân tiếp thu và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, vừa cho hiệu quả kinh tế cao, lại có ý nghĩa xã hội và bảo vệ môi trường; đồng thời giúp thay đổi tập quán sản xuất vốn bảo thủ của người nông dân”.

Hội nghị về xây dựng mô hình “canh tác cà phê thông minh” cho 5 tỉnh Tây Nguyên
Hội nghị về xây dựng mô hình “canh tác cà phê thông minh” cho 5 tỉnh Tây Nguyên

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia khẳng định, hợp tác giữa Bình Điền với trung tâm là hợp tác công tư điển hình, đã rất thành công, như chương trình "canh tác lúa thông minh" tại Nam bộ, nay tiếp tục trên cây cà phê tại Tây Nguyên. Trung tâm sẽ phát huy cao vai trò của hệ thống khuyến nông cộng đồng tại cơ sở để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật của chương trình tới nông dân, giúp nông dân ứng dụng vào sản xuất cà phê đạt hiệu quả cao nhất, cả về kinh tế, xã hội và môi trường.

Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, nói: "Chúng tôi rất vui mừng sự kiện ký thỏa thuận hợp tác phát triển cây cà phê theo hướng canh tác thông minh hôm nay. Hợp tác giữa Bình Điền và WASI vừa qua là rất tốt, có lợi cho nông dân Tây nguyên; nay thêm cả sự vào cuộc của Trung tâm Khuyến nông quốc gia và địa phương nữa. Tôi mong muốn chương trình được thực hiện tốt nhất, giúp cho sự phát triển bền vững của cây cà phê Tây Nguyên, trong đó tỉnh Đắk Lắk vẫn xác định cây cà phê là cây trồng chủ lực. Tỉnh đánh giá rất cao đóng góp của Công ty Bình Điền với nhân dân địa phương trên nhiều lĩnh vực, như kết nghĩa, giúp đỡ những buôn làng nghèo khó, xa xôi; đồng hành với tỉnh những dịp lễ, hội có quy mô toàn vùng. Tỉnh cảm ơn và cam kết sẽ theo sát, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất có thể để chương trình đạt được kết quả cao”.

Tin cùng chuyên mục