Ngót nghét 15 năm kết nghĩa, điều mà Bình Điền tâm đắc nhất chính là đã chiếm trọn được niềm tin của người nông dân Tây Nguyên, được xem là chỗ dựa về kiến thức khoa học nông nghiệp, kỹ thuật canh tác cũng như trở thành nhà cung cấp phân bón thân thiết và chuẩn mực nhất…
Bừng sáng Bon R’Long Phe
Đón chúng tôi giữa buổi chiều nắng nóng của tháng Ba, đi xuyên qua vài đoạn đường đất nhỏ hẹp để vào rẫy cà phê chuyên canh của gia đình, ông Y Bang hào hứng kể vụ thu hoạch vừa rồi thắng lớn, có được 6 tấn/1,2ha. Ở Bon R’Long Phe (xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long, Đắk Nông), ông Y Bang trồng 2 ha cà phê. Ông cũng chính là điển hình của người nông dân hiện đại ở xã Quảng Sơn, tiếp cận rất nhanh phương pháp canh tác cây cà phê thông minh để mang lại năng suất cao qua mỗi vụ mùa.
“Tôi thấy sự hỗ trợ kỹ thuật từ Công ty Bình Điền rất hiệu quả. Chúng tôi mua phân bón trực tiếp, lại được cho trả chậm 1 năm không lãi suất. Năng suất của cà phê cao lắm, nếu ngày xưa rẫy của tôi chỉ thu hoạch được 3 tấn, thì năm nay được tới 6 tấn/1,2 ha. Bón phân ít thôi nhưng tháng nào cũng bón thì thấy hiệu quả hơn. Chỉ tốn công. Trước đây, tôi bón 4 lần/năm, tốn 2,5 tấn phân, giờ giảm xuống rất nhiều, chỉ tốn 1,5 tấn/năm”, ông cho biết.
Ông Y Bang thoát nghèo, con cái được học hành tử tế, lại được tiếng trong vùng là giỏi làm nghề nông. Thậm chí nhiều bà con nông dân các tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk cũng tìm đến và học tập kinh nghiệm canh tác cà phê của ông.
Nằm trong chương trình kết nghĩa, Công ty CP Phân bón Bình Điền bước đầu đã hỗ trợ phân bón NPK Đầu Trâu cho 5 hộ nghèo thuộc diện gia đình chính sách trong Bon (mỗi hộ có diện tích trồng cà phê là 0,5ha) niên vụ 2015-2016 để làm điểm trình diễn với mức đầu tư tặng không mỗi hộ 1,2 tấn phân bón Đầu Trâu chuyên dùng bón cà phê.
Tái canh cà phê bền vững
Ở Đắk Lắk, nơi vốn được xem là thị trường chiến lược của Bình Điền, những tiến bộ khoa học kỹ thuật và cả hỗ trợ về tài chính hàng năm của công ty được lãnh đạo tỉnh cùng người nông dân ghi nhận rất trân trọng. Ông Y Giăng Gry Nie (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk) luôn tâm đắc với chương trình kết nghĩa và hỗ trợ của Bình Điền với nhiều buôn làng: “Cái quan trọng nhất mà Bình Điền mang đến cho bà con nơi đây là ánh sáng khoa học kỹ thuật, vì nó đang mở ra trang mới trong cung cách làm ăn của bà con. Không chỉ nhận quà tặng, nhận trợ cấp thiếu đói, mà đồng bào được trang bị cái cần câu. Có cần câu tốt, lại được chỉ dẫn cách thức, nhất định đồng bào mình sẽ câu được những con cá to…”.
“Tốc độ cây phát triển nhanh hơn (trước trồng 4 năm mới thu hoạch, giờ chỉ 3 năm) khi áp dụng phương pháp tái canh bền vững mà Công ty Bình Điền hướng dẫn. Chúng tôi bớt công lao động nhờ hệ thống tưới, bón phân tự động, tiết kiệm nhiều thứ, lại được hỗ trợ 100% phân bón, cây giống và hệ thống tưới nhỏ giọt (60 triệu đồng/ha)”, chị Hruih Eban cho biết.
Theo ông Ngô Nhân - Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Đắk Lắk - chương trình hỗ trợ tái canh diện tích cà phê già cỗi tập trung vào các yếu tố như giống, phân, tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt và hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm; hướng dẫn trồng xen sầu riêng, bơ để có thu nhập trong khi chờ cây cà phê trưởng thành và đạt mục đích tăng giá trị sử dụng cho vườn, hạn chế sâu bệnh. Trung tâm khuyến nông tỉnh đã áp dụng được cho hơn 10 hộ, đồng thời đã tổ chức 8 lớp tập huấn, giúp được bà con có kiến thức canh tác cà phê bền vững, canh tác thông minh, mức đầu tư 160 triệu/ha.
“Bình Điền là người bạn đồng hành không chỉ của chúng tôi mà của cả bà con Đắk Lắk trong nỗ lực chuyển mình của cây cà phê nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung”, ông Ngô Nhân nhấn mạnh.