Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương, cho biết: “Trải qua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định những đóng góp xứng đáng của giai cấp nông dân và tầm quan trọng chiến lược của vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta qua 30 năm đổi mới có sự đóng góp quan trọng của nhiều thế hệ nông dân trên cả nước… Tôi đánh giá cao sáng kiến của Hội Nông dân Việt Nam, qua 7 lần tổ chức chương trình “Tự hào nông dân Việt Nam”, đã có 465 lượt nông dân được tôn vinh, khẳng định tính thiết thực và ý nghĩa xã hội sâu sắc của chương trình. Hội Nông dân các cấp cần giới thiệu, lan tỏa nhiều hơn trong xã hội những tấm gương điển hình, tiêu biểu của nông dân, đồng hành và cổ vũ nông dân trong mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; sẵn sàng cho mục tiêu phát triển tiếp theo của đất nước, hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản VN (năm 2030) và 100 năm thành lập nước (2045)”.
Ông Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam chia sẻ: “Niềm tự hào, vinh dự của mỗi nông dân được nhận danh hiệu nông dân xuất sắc hôm nay, sẽ tiếp tục lan tỏa tới đông đảo hội viên nông dân trong cả nước, có sức cuốn hút, thúc đẩy, góp phần làm cho phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới ngày càng phát triển mạnh mẽ”.
Ông Ngô Văn Đông, TGĐ Cty CP Phân bón Bình Điền, chia sẻ: “Từ mong muốn của TGĐ Cty CP Phân bón Bình Điền về một danh hiệu cao quý, dành tặng những nông dân xuất sắc, được TW Hội Nông dân VN tán đồng, đã trở thành Chương trình Tự hào nông dân Việt Nam từ năm 2013 đến nay và Cty Bình Điền luôn là đơn vị tài trợ chính duy nhất. Bình Điền sẽ tiếp tục đồng hành cùng chương trình vì nó đã đi đúng ý Đảng, lòng dân, như khẳng định của ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam”.
Ông Nguyễn Hữu Hà, ở Hưng Yên, khởi nghiệp nông nghiệp năm 2004 lúc mới 25 tuổi bằng việc thầu 4ha đất trồng vải ở Lục Ngạn, Bắc Giang. Sau 3 năm làm ăn thua lỗ, thất bại, ông bỏ sang Nga lao động. Lại bị “cú ngã đau” tại chợ Vòm năm 2012. Trắng tay, về nước, ông tiếp tục với nghề nông. Lần này ông trồng 12,5ha chanh tứ quý không hạt theo mô hình Viet GAP vì nghĩ trái chanh rất gần gũi với mọi nhà. Thắng to, ông tiếp tục ghép chanh tứ quý lên gốc bưởi làm cây bonsai để mọi nhà đều có thể có cây cảnh chưng, lại có quả chanh ăn hằng ngày. 1.200 chậu chanh bonsai bán hết veo, ông làm tiếp 5.000 chậu nữa. Khách hàng rất ưa cái “độc, lạ”, lại rất thiết thực cho đời sống của chậu chanh bonsai tứ quý Hữu Hà.
Ông Xuân ở Đắk Lắk trồng lúa hữu cơ thảo dược, năng suất không cao, chỉ trên dưới 4 tấn/ha, nhưng giá bán gạo cao gấp 10 lần gạo thường. Ông thành lập HTX và trong 10 năm đã tổ chức đưa gần 7.000 lượt xã viên đi tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất ở nhiều vùng miền trong nước. Ông Thêm, ở Đắk Nông canh tác gần 30 hecta cao su, tiêu, điều, lãi hằng năm không nhiều, nhất là tình hình giá cả nông sản lao xuống dốc mấy năm gần đây; nhưng ông duy trì trang trại vì giúp được nhiều người dân trong vùng có thu nhập từ cạo mủ cao su, nhặt hạt điều, tuốt trái tiêu…