Tôi nhớ, lần đầu tiên được ăn dừa nước cách đây cũng hơn mười năm. Lần đó, tôi cùng nhóm bạn chạy xe máy ra biển Cần Giờ. Trên đường về thành phố, chúng tôi ghé vào quán nước bên đường nghỉ chân. Trong lúc mọi người gọi nước ngọt hay một trái dừa tươi thì tôi háo hức gọi dừa nước khi trông thấy buồng dừa đang được dựng ở góc quán. Người chủ quán lấy phôi dừa đã làm sẵn, cho vào một chiếc ca nhựa cùng với đá lạnh, thêm vài thìa đường rồi khuấy đều. Đây có lẽ là thức uống “hai trong một”, vừa được uống lại vừa được ăn phôi dừa dai dai, giòn giòn. Đúng như người chủ quán bảo, dừa nước có tác dụng giải khát và thanh nhiệt, uống xong ca nước, bao nhiêu mệt nhọc vì nắng nôi, khói bụi không còn nữa, trong tôi lúc ấy chỉ còn lại sự khoan khoái.
Đó là lần đầu tiên tôi được thưởng thức thứ quả được xem như sản vật ở phương Nam. Chỉ một lần ăn dừa nước mà nỗi vấn vương vẫn còn theo tôi đến tận về sau. Trở về thành phố, thỉnh thoảng đi trên đường bắt gặp một hàng dừa nước, tôi lại ghé vào mua một bịch. Ngoài uống với đá, theo mách nước của một người bạn, tôi còn cho đường vào trộn đều với phôi dừa, rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh. Chừng vài giờ sau là có thể ăn được. Phôi dừa lúc đó trở nên dẻo dẻo, cưng cứng, có thêm vị ngọt đậm đà. Mỗi miếng dừa nước được đưa vào miệng là một lần cảm giác ngọt ngào, mát lạnh râm ran khắp người.
Lần nọ, tôi có dịp về thăm nhà một người bạn ở Bến Tre. Là xứ dừa nên khi đứng trên cầu Rạch Miễu, tôi đã trông thấy những rừng dừa xanh trải dài dường như bất tận. Nhà bạn tôi cũng có đôi ba cây dừa mọc thẳng lên trời. Nhưng đến lúc ra ngoài rạch, nhìn thấy bụi dừa nước, tôi đã không giấu được niềm thích thú. Bởi lẽ, đây là lần đầu tiên tôi được tận mắt nhìn thấy những buồng (quầy) dừa quây kín thân cây, sau một thời gian ăn phôi dừa và chỉ nhìn thấy trên phim ảnh.
Thấy tôi mải mê nhìn cây dừa nước, bạn tôi từ trong nhà đi ra, bảo: “Cây dừa nước trông vậy mà hay lắm nha!”. Cái hay của dừa nước như bạn tôi nói, đó là tất cả bộ phận đều có một công dụng nhất định. “Lá để lợp nhà, chằm cà vung, xây bồ lúa, gói bánh cà bắp, róc lạt, chẻ dây, làm củi… Còn trái thì đương nhiên là để ăn, và để uống nữa”, bạn tôi cười. Rồi bạn kể, thông thường dừa nước ra trái quanh năm, nhưng cao điểm mùa ra trái từ tháng 6 đến tháng 10 âm lịch. Để nước và cơm dừa giữ được độ ngon ngọt thì phải thu hoạch trước khi những cơn gió chướng trở ngọn. Sau thời điểm này, dừa nước sẽ trở nên nhạt, không còn ngon nữa.
Những ngày thu hoạch dừa nước là những ngày đầy vui vẻ với tụi con nít xóm bạn. Bởi vì sau đó, kiểu gì tụi nhỏ cũng được một ly dừa nước đánh đường, thêm mấy cục đá mát lạnh, uống vào sảng khoái cả người. Ở quê bạn, dừa nước còn được các mẹ, các thím chế biến thành nhiều món. Ngoài dừa nước đá đường, còn có dừa nước rim đường, nấu chè, làm mứt, ngào tắc đường phèn… Món nào cũng chân chất, bình dị nhưng lại để thương để nhớ khi lớn lên, nhất là với những người phải xa quê như bạn.
Bạn kể thêm, hồi đó, nhà bạn đông con, cuộc sống không được thoải mái như bây giờ. Nhưng nhờ có bụi dừa nước ngoài rạch, bữa ăn nhà bạn có thêm cá thêm thịt. Anh em bạn đi học, sách vở, bút thước cũng đều nhờ vào tiền bán dừa nước cho thương lái, hoặc có hôm đích thân mẹ bạn mang nguyên quầy dừa ra chợ. Bạn bảo, dừa nước còn là “lộc trời”, giúp gia đình bạn đi qua những ngày gian khó.
Có phải vì thế mà những năm ở thành phố, lâu lâu lại thấy bạn mua dừa nước về ăn. Ngoài là thức uống bổ dưỡng, thanh nhiệt đã đành, giờ tôi biết thêm rằng, những người như bạn còn ăn vì nhớ.