Theo Bộ trưởng Bộ Môi trường, Biến đổi khí hậu và Công nghệ Maldives Aminath Shauna, tất cả chất thải từ năm 1992 đều được đổ vào đảo Thilafushi, sau đó nó “nổi tiếng” theo cách không thể ngờ, trở thành “hòn đảo rác thải” - hệ lụy từ các đám cháy do việc xử lý rác. Tuy nhiên, kể từ tháng 9 năm ngoái đến nay, các đám cháy ở bãi rác đã được dập tắt. Đó là một trong những thay đổi cơ bản nhất trong cuộc chuyển đổi lớn đang diễn ra tại hòn đảo Thilafushi.
Chuyên gia tư vấn cho Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Guenter Hacklaender, người chịu trách nhiệm cung cấp kiến thức chuyên môn thực tế để hỗ trợ nhân viên địa phương xử lý việc đốt rác thải, cho biết, tác hại trước mắt do các đám khói gây ra đã bị vô hiệu hóa. Đến năm 2024, với sự hỗ trợ của một số nhà tài trợ đa phương, hòn đảo này được kỳ vọng sẽ trở thành nơi có hệ thống quản lý chất thải hiện đại, bao gồm cả chất thải cho cơ sở năng lượng, chuyển giao và xử lý rác thải hiện đại ở khu vực Greater Male - gồm 32 hòn đảo.
Hiện tại, có tới 1.200 tấn chất thải được chuyển đến đảo Thilafushi mỗi ngày. Tuy tỷ lệ tái chế rất cao, nhưng những thay đổi không thể đến một sớm một chiều đối với một đất nước ngập tràn rác thải nhựa. “Ước tính cho thấy Maldives thải ít nhất 20.000 tấn nhựa/năm, và chỉ khoảng 5% trong số đó được tái chế. Phần còn lại hoặc nằm lại trong các bãi chôn lấp, bị đốt cháy hoặc chìm dưới đáy đại dương”, ông A.Shauna cho biết.
Trên toàn bộ gần 200 hòn đảo có con người sinh sống của quốc đảo Maldives, thách thức về rác thải nhựa luôn khiến giới chức đau đầu. Kể từ năm 2015, Parley Maldives - tổ chức môi trường tập trung vào việc bảo vệ đại dương và sự biến động của nền kinh tế nhựa - đã thuyết trình về bảo tồn môi trường biển cho khoảng 1/3 dân số quốc gia, đồng thời thu thập 1.700 tấn rác thải nhựa từ môi trường và xuất khẩu ra nước ngoài để tái sử dụng.
Theo Giám đốc tổ chức Parley Maldives, bà Shaahina Ali, nếu bị đốt cháy, lượng nhựa này sẽ thải ra 21.000 tấn carbon. Hiện Chính phủ Maldives cũng ban hành một số đạo luật về nhựa. Việc nhập khẩu nhiều loại nhựa sử dụng một lần đã bị cấm. Bên cạnh đó, một đạo luật được sửa đổi để cấm sản xuất loại nhựa này ở Maldives, dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 6 tới, với mục tiêu loại bỏ dần tất cả các loại nhựa sử dụng một lần cho đến năm 2030. Các mục tiêu này sẽ được hỗ trợ bởi một chương trình gọi là Plastic Drawdown, một công cụ đánh giá nhanh do các chuyên gia quốc tế và các nhà khoa học phát triển. Dự án sẽ giúp các bên liên quan tìm ra cách thức chất dẻo đang dần xâm nhập vào môi trường và những gì có thể ngăn chặn điều đó hiệu quả.
Ngoài việc dập tắt các ngọn lửa âm ỉ và xua tan làn khói ô nhiễm, Maldives vẫn còn vô số thách thức lớn hơn. Đó chính là việc thay đổi tư duy của người dân về vấn đề quản lý rác thải, thay đổi quy trình quản lý hiện tại, xử lý rác thải đúng cách ở cấp hộ gia đình, cấp cộng đồng. Các vùng nước xung quanh hòn đảo rác thải đang bắt đầu phục hồi sau khi cải tạo đất để tạo vùng đệm từ rác thải. Dù là sự thay đổi nhỏ, nhưng có lẽ là một điều không thể tưởng tượng được chỉ cách đây 5 năm, một biểu tượng cho sự thay đổi mà Maldives đang rất cần.